Năng lực và tư cách đạo đức

ANTD.VN - Công ty nơi Stewart làm việc gần 10 năm qua đang đứng trước nguy cơ bị phá sản vì thua lỗ nên lương của nhân viên đã nợ vài tháng nay không có khả năng chi trả. 

Gia đình Stewart rất khó khăn nên việc không có lương làm anh vô cùng khốn đốn, vì thế dù không muốn nhưng anh đành phải đi tìm công việc khác. Cùng vừa lúc công ty đối thủ cạnh tranh với công ty Stewart thông báo tuyển dụng kỹ sư, Stewart nộp hồ sơ ngay và hy vọng mình sẽ được tuyển dụng làm việc tại đây.

Ngày thi tuyển, Stewart cùng hơn 100 ứng viên phải trải qua 2 bài kiểm tra về chuyên môn, kinh nghiệm và trả lời các câu hỏi theo yêu cầu.

Stewart rất tự tin về chuyên môn, kinh nghiệm của mình nên anh nhanh chóng hoàn thành bài thi đầu tiên. Đến bài kiểm tra thứ hai, Stewart rất bất ngờ khi nhận được câu hỏi: Bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật của công ty cũ của bạn là gì? Stewart suy nghĩ: “Câu hỏi này quá dễ với mình nhưng công ty cũ đang trong giai đoạn rất khó khăn, họ đang phải chật vật mỗi ngày để không phá sản, nếu giờ mình nói ra bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật thì họ sẽ thực sự phá sản. Mình không thể vì cuộc sống của bản thân mà khiến cuộc sống của nhiều người khác khốn khổ được”.

Nghĩ vậy nên Stewart quyết định viết vào phần trả lời: “Tôi không thể tiết lộ được” và nộp bài ra về, anh cũng hiểu rằng như vậy có nghĩa anh sẽ chẳng còn cơ hội làm việc ở đây nữa.

Một tuần sau, Stewart ngỡ ngàng khi nhận được thư thông báo anh đã trúng tuyển vào vị trí kỹ sư phụ trách kỹ thuật của công ty này. Stewart hiểu ra bài kiểm tra thứ hai chính là bài kiểm tra về tư cách đạo đức của các ứng viên. Một kỹ sư dù có tài giỏi tới đâu mà không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng bán rẻ nơi mình đã từng làm việc và những người đã cùng làm việc với mình thì cũng không thể trọng dụng. Một công ty có phát triển lớn mạnh và bền vững hay không là do đội ngũ nhân viên có tài và có đủ tư cách đạo đức.