Nạn "chặt chém" kìm hãm sự phát triển du lịch

ANTD.VN - Sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều du khách tỏ ra khá  bức xúc về tình trạng “chặt chém” ở nhiều điểm du lịch. 

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua kéo dài 4 ngày khiến lượng khách đổ về các điểm du lịch tăng đột biến, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Hà Nội… Lợi dụng cơ hội, một số khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, điểm trông giữ xe tại các địa bàn trên đã đua nhau “hét” giá cao gấp nhiều lần so với ngày thường khiến nhiều du khách ra về trong ấm ức.

Nạn "chặt chém" kìm hãm sự phát triển du lịch ảnh 1Muốn được gánh quang gánh chụp ảnh, nhiều du khách phải trả phí

Cứ đông khách là “chém”

Theo phản ánh của nhiều du khách, trong kỳ nghỉ vừa qua, tại TP Hạ Long và TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) một số cơ sở lưu trú đã tự ý nâng giá phòng lên cao gấp 4-5 lần so với ngày thường. Một số nhà nghỉ ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long đưa ra giá thuê một phòng đôi là 1,5 triệu đồng/phòng/đêm (trong khi mức giá được niêm yết tại quầy lễ tân chỉ 250.000 đồng/đêm), trong khi phòng chỉ có 2 chiếc giường đơn kê sát nhau, 1 chiếc tivi cũ và bộ bàn ghế nhỏ, chẳng khác phòng trọ là bao!

Cũng tại Quảng Ninh, ngày 30-4, tình trạng “cò” vé, nạn “chặt chém” vé tàu du lịch còn diễn ra công khai tại khu vực Cảng khách quốc tế Tuần Châu. Mức giá được các đối tượng “cò” thu của khách là 150 nghìn đồng/người (giá vé niêm yết là 100.000 đồng/khách). Nghiêm trọng hơn, nhiều du khách đi trên tàu còn bị thợ chụp ảnh “ép” lấy 10 tấm ảnh/lần chụp. Sau khi thông tin trên được đăng tải, chủ tàu đã có “tâm thư” xin lỗi gửi đến đoàn du khách 8 người đã bị nhân viên chiếc tàu này “chặt chém” tiền vé tàu, dịch vụ ăn uống và chụp ảnh khi ra thăm vịnh Hạ Long. 

Còn tại Thanh Hóa, sáng 3-5, trên mạng xã hội xuất hiện hóa đơn của một nhà hàng ở Sầm Sơn, với giá ghẹ lên tới 1 triệu đồng/kg. Theo  nhiều người dân, mức giá này cao gấp đôi so với giá ghẹ thông thường (dao động từ 400.000 - 600.000 đồng/kg). Song theo chủ nhà hàng, 1kg ghẹ ngon sau khi chế biến và cộng các chi phí có giá 1 triệu đồng/kg là chuyện bình thường?!

Không chỉ phòng khách sạn, dịch vụ ăn uống mà tình trạng “chặt chém” du khách cũng diễn ra tại một số điểm trông giữ xe tại Hà Nội. Vào những ngày nghỉ lễ, quanh khu vực bến xe Giáp Bát, Vườn thú Hà Nội… do lượng du khách tăng đột biến nên đã xuất hiện một số điểm trông giữ xe tự phát với mức phí cao gấp 2-3 lần quy định.

“Chặt chém” khách có thể bị phạt tới 10 triệu đồng

Về hiện tượng “chặt chém” khách du lịch, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam, thời gian qua, ở một số nơi, sự hiền hòa, hiếu khách và thân thiện của người dân đang dần được thay thế bởi lối làm ăn chộp giật, thời vụ trong các dịch vụ du lịch.

Đó là cách làm ăn cũ theo kiểu cơ hội, không nghĩ đến những cái lợi lâu dài, không cần xây dựng và bảo vệ uy tín, lừa những người nhẹ dạ, thậm chí còn hăm dọa họ để thu lợi trước mắt, thể hiện sự thiếu tôn trọng, coi thường khách hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch của nước nhà, khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Liên quan đến hành vi “chặt chém” khách du lịch, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng hiện tượng chặt chém, lừa dối du khách gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch nước nhà. Do vậy, những đối tượng có hành vi này cần bị xử lý nghiêm.

Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng đối với hành vi tại Khoản 1 Điều này vi phạm từ lần thứ hai trở lên. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá…

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, việc tự ý nâng giá hoặc bán hàng không đúng giá sẽ làm mất lòng tin của khách hàng. Nhằm ngăn chặn nạn “chặt chém” du khách, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, siết chặt việc quản lý giá tại các cơ sở lưu trú, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, để tránh bị “chặt chém” trước khi đi du lịch, mỗi người dân cần tham khảo thông tin về các dịch vụ nơi mình sắp đến, đặt trước khách sạn và hỏi kỹ về giá trước khi sử dụng dịch vụ hay mua bất kỳ món đồ nào…