Năm học 2017-2018: Học sinh Hà Nội tựu trường với những thay đổi mới gì?

ANTD.VN - Ngày 14-8, học sinh THCS và THPT của Hà Nội đã trở lại trường học, bước vào năm học mới 2017-2018. Năm học này sẽ có nhiều thay đổi về nội dung giáo dục.

Bước vào năm học mới, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các bậc học đều có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ. Trong đó, với khối phổ thông, học sinh Thủ đô sẽ được đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng. Cùng với đó, việc dạy và học ngoại ngữ sẽ được nâng cao, đặc biệt là áp dụng mô hình hội nhập, đào tạo song bằng tú tài.

Năm học 2017-2018: Học sinh Hà Nội tựu trường với những thay đổi mới gì? ảnh 1Niềm vui ngày tựu trường năm học mới 2017-2018

Áp dụng nhiều nội dung giáo dục mới 

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp. Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn. Lần đầu tiên, trong năm học 2017-2018, đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý sẽ được chính thức đào tạo, bồi dưỡng bài bản, đến 100% các cơ sở giáo dục.

Năm nay, Hà Nội cũng chú trọng đến công tác trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt quan tâm tới giáo dục pháp luật, trong đó ưu tiên chính thức đưa vào chương trình chính khóa 4 tiết học về an toàn giao thông ở khối THPT. Đi kèm với đó là các thời lượng sinh hoạt chuyên đề bắt buộc về phòng chống tệ nạn ma túy, phòng chống cháy nổ…

Riêng với việc dạy và học ngoại ngữ, ngành giáo dục Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, năm học này là năm đầu tiên thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An; Triển khai mở rộng chương trình giáo dục của Cambridge vào đào tạo tại một số trường như Hà Nội - Amsterdam và các trường khác.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường đào tạo giáo viên dạy song ngữ các môn khoa học tự nhiên cấp THPT. Phát huy hiệu quả và mở rộng mô hình liên kết với các công ty, trung tâm Ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài để tăng cường dạy bổ trợ ngoại ngữ trong các trường phổ thông. 

Chưa triển khai thi 3 môn trong kỳ tuyển sinh lớp 10 

Một trong những nội dung được phụ huynh, học sinh đặc biệt quan tâm trong năm học mới này là đổi mới trong các kỳ tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay, nhiều phụ huynh đang truyền tai nhau về việc Hà Nội sẽ thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ để tuyển sinh vào lớp 10, thay vì thi hai 2 môn Toán, Văn và kết hợp với điểm xét tuyển học bạ 4 năm THCS như lâu nay vẫn làm. Điều này khiến các bậc phụ huynh, học sinh khá lo lắng khi mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành. 

Về thông tin này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2018, chắc chắn Hà Nội sẽ chưa triển khai thi 3 môn để tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế, thay đổi về thi và tuyển sinh tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Việc thi ngoại ngữ cũng đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều kiện đầu tiên là phải có một quá trình tương đối dài để học sinh chuẩn bị bởi môn học này không phải cứ “nhồi nhét” là có thể đạt điểm cao ngay dù là có cả một năm học sắp tới.

Theo ông Phạm Văn Đại, Hà Nội cũng đã đưa vấn đề này ra bàn bạc qua 2 - 3 hội thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, chính vì vậy, việc đưa ra thay đổi sẽ không được tiến hành một cách đột ngột mà phải có sự chuẩn bị, thông báo sớm tới phụ huynh, học sinh. Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn đang tiến hành lên phương án đổi mới tuyển sinh để xin ý kiến người dân và các cấp lãnh đạo thành phố. Hiện, Hà Nội mới chỉ áp dụng đưa môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc với học sinh đăng ký tuyển sinh hệ chuyên tại 4 trường chuyên: Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An và Sơn Tây. 

“Năm học mới, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc điều chỉnh nội dung dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, các trường sẽ được bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, giúp học sinh nhận thức rõ về định hướng nghề nghiệp. Hình thức giáo dục hướng nghiệp sẽ được tăng cường tính thực tiễn”.

Ông Chử Xuân Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội)