Năm 2020, xuất khẩu lao động hướng đến thị trường thu nhập cao

ANTD.VN - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian tới, bên cạnh mục tiêu mở rộng số lượng lao động đi làm việc nước ngoài, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng lao động, tập trung xuất khẩu lao động trình độ kỹ thuật cao.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc.

Một số thị trường châu Âu bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động từ Việt Nam như Rumani, CHLB Đức, Ba Lan.
Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết, theo thống kê năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản trở thành thị trường số 1 tiếp nhận lao động Việt Nam với 82,703 lao động.

Đối với thị trường châu Âu, tính đến hết năm 2019, CHLB Đức đã tiếp nhận hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao.
Đặc biệt Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3-2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: Xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.

Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề đang có nhu cầu.
Cũng theo ông Tống Hải Nam cho biết, mục tiêu trong năm 2020 đưa được 130.000 lao động làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao.

Tuy nhiên, ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, cần khuyến khích người lao động làm việc tại các thị trường châu Âu, nhất là CHLB Đức. Tập trung chủ yếu các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy.
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, giảm nghèo thông tin cho các vùng khăn để người lao động có thể tiếp cận được những thông tin về việc làm ngoài nước một cách chính thống.