Năm 2020, Việt Nam sẽ đạt "đỉnh" dân số vàng, nguy cơ lỡ cơ hội tăng tốc

ANTD.VN - Theo tính toán, dự kiến cơ cấu dân số vàng của nước ta sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 với số người trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số, tuy nhiên cũng chỉ khoảng 5 năm sau (2025) thời kỳ dân số vàng sẽ kết thúc sớm...

Năm 2020, Việt Nam sẽ đạt "đỉnh" dân số vàng, nguy cơ lỡ cơ hội tăng tốc ảnh 1Diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7)

Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, nếu như giai đoạn 1989-1999, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm của nước ta là 1,7% thì giai đoạn 1999-2009 giảm xuống dưới 1,2%, và từ 2009 đến nay tiếp tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 1%.

Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách dân số - KHHGĐ phù hợp.

Đáng chú ý, cơ cấu dân số nước ta cũng đang thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số. Cùng đó, chất lượng dân số được cải thiện đáng kể.

Dù vậy, công tác dân số vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, quy mô dân số lớn, áp lực dân số ở các đô thị ngày càng cao, đặc biệt là những lợi thế của cơ cấu dân số vàng cũng chưa được tận dụng, phát huy nhiều…

Tại Hà Nội, những năm qua thành phố đã kiên trì đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ mới. Dù vậy, do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Trong khi đó, dân trí không đồng đều, tạo áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.

Nguy cơ bỏ lỡ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”

Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số của thành phố thời gian tới là ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên (từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái). Đồng thời, thành phố sẽ triển khai các giải pháp để tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà cả nước đang tập trung thực hiện, bởi nếu không có giải pháp hiệu quả thì Việt Nam đang – và sẽ bỏ lỡ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” – cơ hội “có 1 không 2” trong lịch sử để tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội vượt bậc.

Theo Tổng cục Dân số - Bộ Y tế, trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, người dân trong độ tuổi lao động chiếm đa số, ít nhất 2 người hoạt động kinh tế sẽ hỗ trợ cho 1 người không hoạt động kinh tế. Nhiều nước trên thế giới đã tận dụng được giai đoạn này để chuyển mình mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các con số của Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều cho thấy, giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm (tới khoảng năm 2025) do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và già hoá dân số diễn ra cùng một lúc. Hiện Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.

Tất cả những điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho Việt Nam trong việc tận dụng khai thác nguồn lực dân số, lao động cho phát triển kinh tế – xã hội.

Hà Nội mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7)

Năm 2020, Việt Nam sẽ đạt "đỉnh" dân số vàng, nguy cơ lỡ cơ hội tăng tốc ảnh 2

Ông Hoàng Đức Hạnh phát biểu tại lễ mít tinh

Nhằm hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11-7), Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức Lễ mít tinh cấp thành phố theo chủ đề được Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc lựa chọn là: “Việt Nam- 25 năm thực hiện chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (CAIRO,1994)” . 

Phát biểu tại đây, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, dù tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội là 112,8 bé trai/100 bé gái (giảm so với năm 2018 là 113 bé trai/100 bé gái và năm 2017 là 113,5 bé trai/100 bé gái), nhưng vẫn trên mức báo động.

Cũng tại lễ mít tinh, hàng nghìn người đã tham gia diễu hành cổ động tuyên truyền về ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ.