Năm 2018: Năm của những sự kiện giáo dục "chưa từng có"

ANTD.VN - Năm 2018, có thể xem là một năm đầy “giông tố” của ngành giáo dục với hàng loạt những sự kiện “chưa từng có”. Từ Hiệu trưởng dâm ô học sinh, bạo lực học đường, gian lận thi cử đến hàng loạt những sự kiện “nóng” mà không ai có thể nghĩ nó sẽ xảy ra. Một loạt những “bê bối” trong năm qua đã khiến ngành giáo dục mang nhiều “tai tiếng”…Và không biết đến bao giờ, khi nào mới lắng xuống khi đang “sóng lặng” lại “dậy sóng” với cường độ mạnh và dồn dập hơn nhiều lần.

Bạo hành học đường: Liên tục và thô bạo

Quỳ gối, tát má… là những "từ khoá" xuất hiện thành chuỗi nổi bật trong nhà trường năm 2018. Cuối tháng 1, ở Long An, một cô giáo tiểu học bắt học sinh quỳ gối đã "lĩnh" ngay sự trừng phạt của phụ huynh với yêu cầu tương tự. Đến tháng 3, một phụ huynh ở Nghệ An cũng lao vào trường bắt cô giáo mầm non đang mang thai phải quỳ gối do nghi ngờ đánh con mình.

Năm 2018: Năm của những sự kiện giáo dục "chưa từng có" ảnh 1 

Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra tại trường học trong năm 2018

Theo VNN, đầu tháng 4, tại Hải Phòng một cô giáo trẻ đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng. Sau ngày 20-11, sự kiện chấn động "231 cái tát" đã xảy ra ở Quảng Bình: Cô giáo "chỉ đạo" cả lớp tát một học sinh lớp 6 tới mức phải nhập viện vì bị cho là nói bậy. Chưa kịp nguôi ngoai, ở Hà Nội lại nổi lên vụ cô giáo để trẻ lớp 2 tát bạn. Trước đó, ở TP.HCM cũng có phụ huynh cũng tố cáo giáo viên bắt học sinh lớp 5 tát bạn. Đó là chưa kể tới các vụ bạo lực học đường khác như đánh trẻ mầm non ở Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM. Một vụ bạo hành tốn nhiều giấy mực khác là trường hợp cô giáo dạy toán ở TP.HCM lên lớp không nói gì trong 3 tháng với học sinh.

Xen giữa những vụ tát, quỳ... là những sự vụ giáo viên bị học trò hoặc phụ huynh uy hiếp: Nam sinh Bến Tre nhục mạ và bóp cổ cô giáo trước mặt cả lớp; nam sinh Quảng Bình đâm thủng bụng thầy giáo. Đầu tháng 12, một nữ phụ huynh vào tận trường học ở Bạc Liêu chửi mắng và quay clip đăng Facebook xúc phạm thầy giáo vì cái quần của con gái bị mất…

 “Phù phép” điểm thi liên tỉnh

Cú bắt tay nhau "chấm chung" thi tốt nghiệp THPT của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm nào xem ra chưa nhằm nhò gì so với gian lận thi cử phát lộ ở một loạt địa phương trong năm nay. Hàng trăm bài thi THPT quốc gia của thí sinh Hà Giang từ 0 -2 điểm bỗng chốc được phù phép thành điểm 9, biến học sinh làng nhàng thành "tốp 10 cả nước".

Năm 2018: Năm của những sự kiện giáo dục "chưa từng có" ảnh 2 

Gian lận thi cử ở Hà Giang trong ký thi THPT Quốc gia

Sự việc chưa kịp "nguội" ở Hà Giang thì việc sửa điểm "nóng" lên ở Sơn La, Hoà Bình... thậm chí theo đồn đoán, con số không dừng lại ở 3 địa phương.

Chưa bao giờ, hàng chục cán bộ là quản lý giáo dục cấp sở, phòng hoặc hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông bỗng vướng vào vòng lao lý: người bị bắt tạm giam, kẻ bị truy tố. Và cũng oái oăm, dù đã xác định sờ sờ sai phạm, nhưng vẫn chưa có cách đưa bài thi trở về điểm gốc.

Có thể nói, trong một xã hội trọng sự học như Việt Nam, hiện tượng một nhóm những người không phải đầu tư, không phải bỏ nguồn lực mà lại chiếm mất cơ hội của nhóm những người đã đầu tư và hy sinh nguồn lực trong suốt thời gian dài là một bất công, ăn cắp nỗ lực của người khác, xâm phạm tính tôn nghiêm của công lý. Đó cũng là thất bại của xã hội, của người lớn trước trẻ em.

Sách đánh vần ô vuông, tam giác gây tranh cãi

Theo VNE, cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó áp dụng theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Năm 2018: Năm của những sự kiện giáo dục "chưa từng có" ảnh 3 

GS. Hồ Ngọc Đại giới thiệu cuốn sách Công nghệ Giáo dục

Sự kiện này khiến dư luận phản ánh gay gắt và có nhiều tranh cãi nhất. Tuy nhiên, trên thực tế có đến gần 50 tỉnh thành với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

Dự thảo sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 bị buộc thôi học

Ngày 29-10, Bộ Giáo dục công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26-11.

Ban soạn thảo đề xuất khung kỷ luật với học sinh, sinh viên vi phạm quy chế, từ hành vi nhỏ nhất như đi học muộn, làm việc riêng trong giờ học; đến các sai phạm lớn hơn như tàng trữ sử dụng ma tuý, mại dâm. Với hoạt động mại dâm, nếu sinh viên vi phạm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị "lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất". Trang web của Bộ Giáo dục ngay sau đó gỡ dự thảo.

Chậm ban hành chương trình môn học phổ thông mới

Tháng 1, Bộ Giáo dục công bố Dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung các môn học được xây dựng dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được Bộ Giáo dục công bố ngày 28-7-2017.

Theo lộ trình được Quốc hội thông qua, chậm nhất năm học 2020-2021 cấp tiểu học sẽ áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Từ năm học 2021-2022 áp dụng đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT. Tuy nhiên, đến nay chương trình môn học mới vẫn chưa được ban hành để các đơn vị xuất bản có căn cứ in sách giáo khoa, trình Hội đồng thẩm định.

500 giáo viên hợp đồng mất việc và 76.000 suất biên chế còn thiếu

Trong tháng 3-2018 tại Đắc Lắk, 500 giáo viên bỗng dưng mất việc do hợp đồng hết hạn. Câu chuyện một lần nữa cho thấy sự bị động, chồng chéo về tuyển dụng, sử dụng giáo viên đã tạo "miếng mồi" béo bở cho quan chức địa phương, làm méo mó chất lượng đội ngũ nhân sự giáo dục. Ở cấp độ vĩ mô, đó là sự chồng chéo về chính sách tuyển dụng viên chức, nhân sự bộ này nhưng do bộ khác quyết định...

 

500 giáo viên ở Đắk Lắk bị mất việc

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, sau khi đã được giao thêm biên chế tuyển dụng, toàn ngành vẫn còn thiếu 75.989 giáo viên. Năm nay, có tới 29 địa phương "xin" biên chế giáo viên. Do thiếu người, một số nơi đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế không đúng với quy định hiện hành. Ngoài Đắk Lắk, hiện tượng này còn xảy ra ở Cà Mau, Hà Nội, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Nghịch lý thừa thiếu giáo viên năm nào cũng xảy ra và tiếp tục rộ lên: Trong khi hàng trăm giáo viên nhiều nơi đứng trước nguy cơ mất việc, giáo viên cấp 1, cấp 2 bị điều chuyển xuống dạy mầm non, hàng ngàn cử nhân sư phạm thất nghiệp, thì nhiều địa phương thiếu giáo viên mà không được tuyển, phải "cầu cứu" Chính phủ.