Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bao bì đẹp mắt có thể ẩn chứa hiểm họa bên trong

ANTD.VN - Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hiện được bán tràn lan qua mạng xã hội hay Internet. Mọi thứ đều là “ảo” nhưng lợi nhuận và những hiểm họa về sức khỏe của khách hàng đều là thật.

Nhiều khách hàng “tiền mất, tật mang” khi phát hiện những thương hiệu, sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo rầm rộ, do nhiều người nổi tiếng làm đại sứ lại là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bao bì đẹp mắt có thể ẩn chứa hiểm họa bên trong ảnh 1Lực lượng chức năng thu 5.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Minh Tâm (địa chỉ số 47 phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa, Hà Nội)

Kiểm tra ra vi phạm

Mới đây nhất, ngày 6-7, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 10 địa điểm bán mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Kết quả,  2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại bị tạm giữ đều do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng.

Trước đó, ngày 22-6, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (tên thường gọi Ngọc Tú Nature Beauty), địa chỉ tại thị trấn Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm Đông y như bộ trị mụn Đông y, gel điều trị mụn, gel trị thâm, serum tái tạo và phục hồi da, kem dưỡng da chống nắng ban ngày, Kem dưỡng da ban đêm (kem ngựa), sữa rửa mặt, ngũ cốc, cao hà thủ ô... Đại diện cơ sở chưa xuất trình đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm, cũng như giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất hàng hóa.

Qua tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú tổ chức sản xuất tại huyện Thanh Trì được hơn 1 năm. Sản phẩm sản xuất từ đây được đưa vào các hệ thống cửa hàng spa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; đồng thời được chủ cơ sở mở 246 đại lý bán hàng online trên mạng mà lượng khách hàng theo quảng cáo lên tới hơn 5.500 người.

Kinh hoàng hơn, ngày 7-5, tại cơ sở kinh doanh tại tầng 5, số 45, ngõ 9 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ số lượng lớn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, bao gồm 2.185 sản phẩm thực phẩm chức năng chưa đóng gói, 220 hộp thực phẩm chức năng đã đóng gói, 44kg mỹ phẩm chưa đóng hộp, 1.014 gói mỹ phẩm thành phẩm.

Chủ cơ sở trên là anh T.V.B (SN 1994), thừa nhận mua nguyên liệu trôi nổi qua mạng internet, sau đó dùng xi lanh y tế bơm từ các thùng chứa nguyên liệu vào các chai lọ, đóng gói, dán tem nhãn bao bì với các tên hiệu dưới dạng sản phẩm của các nhà thuốc Đông y gia truyền Ngọc Sơn Đường, Nguyệt Tâm Đường... và nơi sản xuất chỉ là nhà vệ sinh chưa đầy 15m2.

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bao bì đẹp mắt có thể ẩn chứa hiểm họa bên trong ảnh 2Các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có bao bì đẹp mắt, sang trọng nhưng chất lượng không đảm bảo

Khó quản lý trong khi thủ đoạn ngày càng tinh vi

Nhiều cơ sở kinh doanh, chọn bán hàng “online” qua mạng Internet, đặc biệt qua Facebook. Việc này khiến cho lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Vấn đề phối hợp xử lý kinh doanh qua mạng internet, đặc biệt là facebook hiện nay còn chưa có sự phối hợp hiệu quả của nhiều cơ quan chức năng. Lực lượng QLTT đang “đơn thương, độc mã” trong cuộc chiến khốc liệt chống lại hàng kém chất lượng đặc biệt là mỹ phẩm bán qua mạng”.

Về quản lý Nhà nước đối với thực phẩm chức năng, dược phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, ông Trần Hùng, Cục phó Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng Bộ Y tế phải có trách nhiệm. Cụ thể, với thực phẩm chức năng, cơ quan phụ trách là Cục An toàn thực phẩm. Thuốc, mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Còn với đông, nam dược các loại do Cục Y dược cổ truyền dân tộc quản lý. Hiện nay sự phối kết hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Y tế và Quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đều nhập nhèm trong việc phân loại sản phẩm. Trong vụ việc của Công ty Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 6 cho biết: “Sau khi tạm giữ toàn bộ số hàng hóa chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chúng tôi phải tiến hành phân loại từng sản phẩm. Bởi lẽ, nhiều sản phẩm không rõ là mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng. Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý, bởi lẽ đối với mỗi loại như thuốc, mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng lại có chế tài riêng. Nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng điều này không ghi rõ, cụ thể sản phẩm của mình”.

Luật sư Hoàng Huy Được (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Chế tài xử lý còn thiếu và chưa đủ sức răn đe

Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bao bì đẹp mắt có thể ẩn chứa hiểm họa bên trong ảnh 3

“Quy định đã có song chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng vẫn còn thiếu, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, hiện chưa có quy định cụ thể trong cấp phép quảng cáo để xử lý đối với thông tin quảng cáo không đúng sự thật về công dụng, tác dụng; quy định về công bố chất lượng không ghi thành phần chính, chất chủ yếu, không ghi định tính, định lượng nên các đối tượng lợi dụng để né tránh hành vi vi phạm hàng giả về chất lượng. Ngoài ra, việc giám định chất lượng hàng hóa còn mất nhiều thời gian, kết quả giám định của mỗi cơ quan lại khác nhau, gây khó khăn cho quá trình xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường quản lý giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử, xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng các trang mạng xã hội kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cần nâng mức phạt đối với hành vi này, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện pháp lý để có thể xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Một trong những giải pháp hiệu quả tiếp theo là cần tiến hành dán tem chống giả công nghệ cao. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và các chủ sở hữu nhãn hiệu cần phối hợp chặt chẽ hơn để có thể xem xét, xử lý kịp thời các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.

Sản xuất, buôn bán hàng giả gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt 15 năm tù

Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra, hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Điều 25, Nghị định 80/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định về khung hình phạt với “hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa” có mức phạt cao nhất từ 7-10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. 

Về xử lý hình sự, Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 đến dưới 150 triệu đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%; Thu lợi bất chính từ 50 - dưới 100 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội nhằm thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; Làm chết 2 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7-15 năm.