Muốn nuôi động vật bán hoang dã, phải chứng minh... chưa từng phạm tội

ANTD.VN - Dự thảo Luật Chăn nuôi quy định, cá nhân khi muốn chăn nuôi các loại động vật bán hoang dã gây nuôi thì phải đăng ký với UBND cấp huyện, đặc biệt, phải cung cấp được giấy tờ chứng minh thành viên trong cùng gia đình chưa có hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội

Chiều nay, 1-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi ra trước Quốc hội. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 65 điều, bao quát tương đối toàn diện hoạt động chăn nuôi từ khâu quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, đến quản lý cơ sở chăn nuôi…

Đáng chú ý, quy định về quản lý chăn nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh là nội dung rất mới tại dự luật này, cũng là nội dung nhận được khá nhiều sự quan tâm.

Cụ thể, Chương V dự thảo Luật Chăn nuôi có quy định, tổ chức, cá nhân khi chăn nuôi, kinh doanh các loại động vật bán hoang dã gây nuôi phải thực hiện đăng ký chăn nuôi, kinh doanh với UBND cấp huyện những thông tin về: vị trí, địa điểm chăn nuôi; số lượng động vật bán hoang dã gây nuôi; chủng loại động vật bán hoang dã gây nuôi.

Cùng đó, phải có báo cáo, cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các cá thể động vật được chăn nuôi, kinh doanh; báo cáo, cung cấp giấy tờ chứng minh thành viên trong cùng gia đình chưa có hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y hay bảo vệ động vật hoang dã…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, động vật cảnh là động vật được nuôi phục vụ mục đích giải trí, trưng bày, tham quan, không giết mổ làm thực phẩm. Động vật cảnh không bao gồm các loài động vật nguy cấp, quý hiếm và các sinh vật ngoại lai xâm hại.

Còn động vật bán hoang dã gây nuôi là các loài động vật có nguồn gốc từ động vật hoang dã mà sự tồn tại và phát triển của chúng là kết quả của quá trình chăn nuôi có mục đích của con người nhưng không bao gồm động vật hoang dã đã khai thác từ tự nhiên; không bao gồm các loài nguy cấp, quý hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Thẩm tra về nội dung này trong dự án Luật Chăn nuôi, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã điều chỉnh nhiều đối tượng vật nuôi mới, cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển chăn nuôi hiện nay, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân (như nuôi chim, thú cảnh có nguồn gốc tự nhiên để giải trí; nuôi chim yến, nuôi chồn, dúi...), đem lại giá trị kinh tế cao so với vật nuôi truyền thống

Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Chăn nuôi phải nghiên cứu, làm rõ đối tượng “động vật bán hoang dã gây nuôi” và hình thức nuôi bán hoang dã (nuôi lợn rừng, chim yến).

Theo cơ quan thẩm tra, quy mô nuôi động vật bán hoang dã, động vật cảnh ở mức nào thì phải đăng ký với UBND cấp huyện; phải kê khai chăn nuôi với UBND cấp xã. Đồng thời, phải bổ sung quy định về xuất khẩu, nhập khẩu động vật cảnh, động vật bán hoang dã gây nuôi; bổ sung quy định cách thức xử lý các động vật bán hoang dã gây nuôi trong trường hợp tạm dừng gây nuôi, kinh doanh của các cơ sở chăn nuôi không đáp ứng các yêu cầu về quy định...