Doanh nghiệp bất chấp pháp luật về bảo hiểm xã hội, không nhẽ… bó tay?

Muôn kiểu đối phó của các "chủ nợ"

ANTD.VN - Khi chúng tôi tìm hiểu tại một số quận, huyện có số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) lớn trên địa bàn Hà Nội, điểm chung là cơ quan BHXH của địa phương đều khẳng định đã “làm hết cách” nhưng đơn vị nợ đọng vẫn... bất động, muốn xử lý thật nặng không xong vì vướng đủ đường.

Muôn kiểu đối phó của các "chủ nợ" ảnh 1

Thanh tra chuyên ngành BHXH Thành phố Hà Nội tiến hành thanh tra đơn vị nợ BHXH

Cuối tháng 6 vừa qua, Đoàn Thanh tra chuyên ngành của BHXH thành phố Hà Nội đến thanh tra tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ mới IDT và Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Thanh Hoa, dù đã thông báo trước song đại diện của cả 2 công ty này đều vắng mặt, cũng không cử người đại diện tiếp đoàn…

Thanh tra liên ngành đến… không tiếp, mời… không lên

Theo Quyết định tra chuyên ngành số 970/QĐ-BHXH ngày 02/04/2019 của BHXH Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Thanh Hoa có 19 lao động, nợ BHXH 5 tháng với số tiền 177,5 triệu đồng. Còn theo Quyết định thanh tra chuyên ngành số 1544/QĐ-BHXH ngày 13/5/2019, Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ mới IDT có 23 lao động, nợ BHXH 6 tháng với số tiền 145,6 triệu đồng. 

Đến hết tháng 7-2019, cả 2 doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng nợ BHXH. So với mặt bằng chung, số tiền cũng như thời gian nợ của 2 doanh nghiệp nói trên không cao, nhưng vấn đề là cả hai đều thể hiện sự bất hợp tác với cơ quan chức năng.

Thông tin đến Báo ANTĐ về thực trạng này, cơ quan BHXH Thành phố Hà Nội cho biết, trước khi đến kiểm tra doanh nghiệp, Đoàn Thanh tra chuyên ngành của cơ quan BHXH luôn thực hiện đầy đủ các quy trình như gửi thông báo, gửi đề cương kiểm tra, thống nhất lịch hẹn làm việc…

Thế nhưng, tại 5 thời điểm Đoàn thanh tra bố trí lịch đến làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Thanh Hoa (phường Biên Giang, Hà Đông), cả 5 lần, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên – người đại diện theo pháp luật của Công ty - đều vắng mặt. Bà Hoa cũng không có ủy quyền bằng văn bản cho người đại diện làm việc với đoàn thanh tra, không cung cấp được hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra.

Tương tự là trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ mới IDT (phường Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội). Ngày 26-6, Đoàn thanh tra của BHXH Thành phố đã đến làm việc tại công ty này nhưng ông Đỗ Văn Thưởng, Giám đốc công ty – người đại diện theo pháp luật của công ty – vắng mặt, không ủy quyền cho người khác tiếp đoàn.

Đoàn thanh tra đã lập biên bản và mời ông Đỗ Văn Thưởng lên trụ sở BHXH Thành phố làm việc với ngày 3-7 (tức 1 tuần sau). Nhưng đến lịch hẹn, chỉ có bà Hà Thị Thu Hương (nhân viên kế toán của Công ty IDT) được cử đến làm việc với Đoàn thanh tra, bà Hương nêu lý do ông Đỗ Văn Thưởng đi công tác đột xuất.

Ngày 8-7, Đoàn Thanh tra cùng đại diện BHXH quận Hà Đông tiếp tục đến làm việc tại trụ sở công ty này, nhân viên của công ty thông báo ông Đỗ Văn Thưởng không thu xếp được thời gian làm việc với Đoàn. Ngày 19-7, Đoàn Thanh tra tiếp tục đến làm việc, tuy nhiên kết quả biên bản làm việc được lập vẫn không có chữ ký của Giám đốc do ông này vẫn vắng mặt.

Để tìm hiểu thêm lý do các doanh nghiệp bất hợp tác với cơ quan quản lý, đoàn thanh tra chuyên ngành về BHXH, chúng tôi đã liên hệ với ông Đỗ Văn Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ mới IDT.

Qua điện thoại, ông Thưởng trao đổi ngắn gọn, trong đó khẳng định không phải ông bất hợp tác mà vì “công ty đang gặp khó khăn, đến công nhân còn chưa có lương thì chúng tôi lấy tiền đâu để đóng BHXH. Có tiền thì cũng phải lo lương cho công nhân trước chứ’. Một lý do khác được ông Thưởng đưa ra là công ty mới chỉ chậm đóng BHXH vài tháng gần đây chứ không phải “diện chây ỳ”.

Ông Vũ Mạnh Hùng (hàng đầu, bên phải) giải đáp thắc mắc tại một buổi tập huấn về thu BHXH

Khởi kiện ra tòa cũng “không ăn thua”

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về tình hình nợ đọng BHXH huyện Thanh Trì – nơi có những doanh nghiệp “chây ỳ” đã nợ BHXH triền miên tới hơn 7 năm nay, ngay nợ phát sinh hàng tháng cũng không nộp. Đó là Công ty Cổ phần Cơ khí và xây lắp số 7 (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội), nợ BHXH lên tới 15,5 tỷ đồng, thời gian nợ đã kéo dài 85 tháng (từ năm 2012 đến nay).

Tương tự là trường hợp của Công ty Cổ phần khóa Minh Khai (Ngọc Hồi, Thanh Trì) có thời gian nợ đã kéo dài tới 63 tháng, số tiền nợ là 8,2 tỷ đồng, từ tháng 4-2014 đến nay chưa nộp tiền nợ phát sinh. Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất C&H Vina, nợ BHXH kéo dài 49 tháng, với số nợ hiện hơn 1,7 tỷ đồng…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Trì cho biết, với những doanh nghiệp thuộc diện “chây ỳ” kể trên, cơ quan BHXH huyện đã “làm hết cách” nhưng hiện họ vẫn không chấp hành.

Chẳng hạn, với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất C&H Vina, mới đây, BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện lập đoàn thanh tra chuyên ngành đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay họ cũng… chưa nộp phạt.

Đặc biệt, với trường hợp của Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp số 7, hiện Cơ quan Công an đã phải vào cuộc. Còn những trường hợp doanh nghiệp nợ đọng BHXH đối phó bằng cách “không tiếp đoàn thanh tra, không ủy quyền cho người làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành BHXH” thì… rất thường gặp”.

“Có những doanh nghiệp nợ BHXH, chúng tôi đã đặt lịch làm việc, liên hệ liên tục nhưng suốt 3 tháng nay vẫn không gặp được người đại diện theo pháp luật của họ. Khi cán bộ BHXH tới công ty cũng không gặp được, thậm chí bảo vệ, nhân viên công ty ngăn không cho vào hay nói là “sếp đi vắng”, lập biên bản làm việc tại chỗ cũng không có người nào đại diện cho công ty ký vì họ không được ủy quyền.

Họ tìm mọi cách đối phó như vậy, chúng tôi cũng không thể có giải pháp nào hiệu quả hơn, thực sự rất muốn xử lý nặng một vài trường hợp để răn đe nhưng cũng… không đơn giản” – ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Trước đó, chúng tôi cũng từng được ông Nguyễn Đình Đạt, Phó Giám đốc BHXH quận Bắc Từ Liêm mời tham gia cùng đoàn kiểm tra của BHXH quận đến làm việc tại một doanh nghiệp chuyên về bê tông, xây dựng đã “chây ỳ”, nợ BHXH kéo dài trên địa bàn. Thế nhưng khi đoàn chúng tôi có mặt tại trụ sở công ty này, lãnh đạo công ty đều không có mặt dù đoàn công tác đã liên hệ trước, nên buổi làm việc đã không thể diễn ra.

Theo ông Đạt, có những doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động khó khăn nên việc thu nợ gần như bất khả thi. BHXH quận Bắc Từ Liêm đã thực hiện rất nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra, gửi văn bản đôn đốc, thậm chí có doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã làm hồ sơ để khởi kiện ra tòa nhưng cũng… không ăn thua.

(Còn nữa)