Mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh lây lan

ANTD.VN - Tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội giảm 106 trường hợp nhưng lại ghi nhận một số ca rất nặng. Trong khi đó, kiểm tra tại quận Hà Đông vẫn phát hiện tại 102 hộ gia đình, 30/88 công trường có ổ bọ gậy…

* Đề phòng ca sốt xuất huyết nặng dễ gia tăng vào cuối vụ dịch

Cần đề phòng những ca sốt xuất huyết biến chứng nặng vào cuối vụ dịch

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội chiều 11-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dù số mắc SXH tại thành phố tiếp tục giảm song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến rất phức tạp.

Đề phòng dịch diễn biến phức tạp

Thời điểm này, lượng bệnh nhân vào khám, điều trị SXH đang tiếp tục có xu hướng giảm so với các tuần trước đó. Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mỗi ngày có 10-12 ca nhập viện vì SXH trong tổng số khoảng 50 ca khám. Tính đến chiều 11-10, tại khoa này chỉ còn hơn 40 bệnh nhân SXH đang điều trị. Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 10, mỗi ngày viện này tiếp nhận khoảng 50 ca vào khám, khoảng 20 ca vào nhập viện nội trú. 

Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo là trong tuần qua đã ghi nhận một số ca SXH biến chứng nặng, thậm chí có ngày số ca có sốc hoặc dọa sốc lên tới 4-5 ca. Đặc biệt, ngày 10-10, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 2 ca mắc SXH biến chứng rất nặng, trong đó có một trường hợp là bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội. 

Các bác sĩ cho biết, dù số mắc SXH tại Hà Nội đã giảm mạnh nhưng kinh nghiệm điều trị qua một số năm gần đây cho thấy, thường vào cuối vụ dịch, số người mắc SXH dengue bị diễn biến nặng lại tăng lên. 

Chưa biết được có đỉnh dịch nữa hay không?

Chiều 11-10, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua là tuần thứ tám liên tiếp số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội giảm. Cụ thể, riêng trong tuần (từ ngày 2 đến 8-10), toàn thành phố ghi nhận 1.068 trường hợp mắc SXH (giảm 160 trường hợp so với tuần trước).

Tuy nhiên, Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát lại vẫn có thể xảy ra trong các tuần còn lại của tháng 10 và tháng 11 tới bởi thời tiết hiện nay mưa rất nhiều, là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Hơn nữa, thông thường đỉnh dịch SXH hàng năm đều rơi vào thời điểm tháng 10-11. 

Đặc biệt, qua báo cáo từ 8 quận, huyện tại cuộc họp cho thấy, công tác phòng chống dịch SXH ở nhiều địa phương hiện vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, tại quận Hà Đông - một trong những đơn vị có số mắc SXH giảm so với tuần trước nhưng qua kiểm tra vẫn phát hiện 102/29.000 hộ gia đình có ổ bọ gậy, 30/88 công trường xây dựng có ổ bọ gậy, 25/123 khu vực công cộng có ổ bọ gậy. 

Trên toàn thành phố, qua giám sát tại 12 điểm dịch SXH trọng điểm trong tuần qua, vẫn còn 3/12 xã, phường có tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi đạt dưới 90%, 8/12 số đơn vị có tỷ lệ ổ bọ gậy cao từ 20-50%, tức cứ kiểm tra 10 dụng cụ thì còn sót từ 2-5 dụng cụ có chứa bọ gậy... Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cần phải giữ nhịp độ phòng chống dịch thật tốt trong vòng 4-6 tuần nữa thì mới mong không có đỉnh dịch thứ hai xuất hiện trong năm nay.

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, các quận, huyện, xã, phường, cơ quan chức năng của thành phố tuyệt đối chưa được phép chủ quan với dịch SXH mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch bệnh này. “Số mắc trong 1 tuần của thành phố hiện vẫn còn cao hơn tổng số mắc SXH của cả tỉnh Bắc Ninh tính từ đầu năm đến nay cũng như vẫn ở mức rất cao so với một số tỉnh, thành phố lân cận” - Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý. 

“Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành y tế và các địa phương cần tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch. Ưu tiên số 1 trong công tác chống dịch SXH thời điểm này vẫn là tiến hành phun thuốc triệt để tại các ổ dịch và diệt bọ gậy, không để sinh trưởng thành muỗi. Nếu nơi nào thiếu máy phun, thiếu nhân lực phải có đề xuất để bổ sung kịp thời” - ông Ngô Văn Quý chỉ đạo.