Bà Đỗ và vườn na được trồng theo quy trình VietGap
Những trái na to tròn, tươi ngon vừa được hái từ những vườn đồi nằm ngay gần đường quốc lộ chạy sát vào tận núi đá, được xe lớn, xe nhỏ tấp nập dừng lại để cho du khách qua đường hối hả chọn mua đem về xuôi và đi các huyện, các tỉnh lân cận làm quà.
Là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, thực hiện chủ trương phát triển diện tích cây ăn quả trên đất dốc, những năm gần đây huyện Mai Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân, chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay trên địa bàn huyện có 3.985ha cây ăn quả, gồm các loại như nhãn, xoài, na, chanh leo, cam, bưởi, thanh long…; hình thành nên các vùng cây ăn quả tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống cho đông đảo bà con các dân tộc trong huyện.
Na được bày bán thành từng dãy dọc theo hai bên Quốc lộ 6 đoạn qua xã Cò Nòi
Đặc biệt, từ năm 2004, cây na trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được khẳng định là loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con. Lúc đầu, cây na được trồng chủ yếu ở xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót, đến nay diện tích trồng na đã được mở rộng ra các xã lân cận trong huyện. Hiện toàn huyện Mai Sơn có trên 150 hộ và cơ sở tham gia trồng na với diện tích khoảng 200ha.
“Cây na đã từng bước khẳng định được ưu thế của mình, hàng chục hộ gia đình trồng na có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên; một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ trồng na, như hộ gia đình ông Hòa, bà Đỗ, ông Sanh, ông Lũ đều là thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Thanh Sơn thuộc Tiểu khu 3/2 xã Cò Nòi” - ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mai Sơn cho biết.
Theo bà con địa phương, sản phẩm quả na của huyện Mai Sơn mang hương vị đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa miền núi Tây Bắc; có vị ngọt dịu, cùi dày và dai, ít hạt, dễ bóc, tỷ lệ thu hồi đạt 65%; quả to, tròn đều (trung bình 3 quả/kg, nhiều quả lên đến 6 lạng).
Ông Lê Xuân Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Thanh Sơn chia sẻ: “Ngoài giống na địa phương truyền thống, hợp tác xã đã trồng thử nghiệm 30ha na ghép hoàng hậu, trong đó 5ha đã cho thu hoạch với sản lượng, chất lượng và giá trị cao hơn hẳn giống na địa phương. Toàn bộ sản phẩm na của hợp tác xã đều được sản xuất theo quy trình VietGap, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ tháng 8-2016”.
Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Trần Đắc Thắng cho biết, ngày 25-8 huyện tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “na Mai Sơn” và ngày hội nông sản năm 2018. Từ đây, thương hiệu “na Mai Sơn” đã có chỗ đứng pháp lý vững chắc trên thị trường; mở ra cơ hội hợp tác và liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nhiệp - Nhà nước) để sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm bền vững cho quả na Mai Sơn; đồng thời, tạo không khí phấn khởi và tiếp thêm động lực cho người dân trồng, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Mai Sơn.
Khách chọn mua na đem về xuôi và đi các huyện, các tỉnh lân cận được mời nếm thử
Trong những ngày cuối tháng 8 này, nếu có dịp về với “đất na” Mai Sơn, bạn sẽ được những người nông dân chất phác, hiền lành, hai sương một nắng mời vào vườn nếm thử những trái na ngọt dịu, cùi dày cho thỏa thích. Tại những vườn na mát xanh và trĩu quả, bạn sẽ tận hưởng được hết hương vị ngọt ngào của na Mai Sơn cùng tình đất, tình người nơi đây.
Ngày 25-8 huyện Mai Sơn tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “na Mai Sơn” và ngày hội nông sản năm 2018. Từ đây, thương hiệu “na Mai Sơn” đã có chỗ đứng pháp lý vững chắc trên thị trường; mở ra cơ hội hợp tác và liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nhiệp - Nhà nước) để sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm bền vững cho quả na Mai Sơn.
Ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn