Mong manh “giấc mơ vươn tới ngôi sao”

ANTĐ - Khi các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí diễn ra ngày càng nhiều thì có không ít trẻ em đã bị chính cha mẹ mình đẩy vào các guồng máy nhào nặn để thành… ngôi sao. Ngoài  số ít em thực sự có tài năng thì vẫn có những em hàng ngày phải vật lộn với giấc mơ thành người nổi tiếng dù không có một chút năng khiếu và hứng thú nào.

Bên cạnh việc học tập, trẻ cần có thời gian vui chơi, hòa nhập với thiên nhiên (Ảnh minh họa)

Phát sốt vì bị ép thành ca sỹ

Hai năm nay, cứ vào dịp nghỉ hè, cô bé Thảo Anh, 10 tuổi (ở khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) lại quay cuồng với những lớp học năng khiếu. Lịch học của em trong tuần luôn kín mít, hôm thì học hát, hôm học đàn, hôm lại học múa rồi học làm người mẫu, người dẫn chương trình. Bởi thế mà mỗi khi về đến nhà, cô bé luôn trong tình trạng mệt nhoài, mặc dù đã được mẹ “tẩm bổ” hết mức. Gần đây, Thảo Anh được bố mẹ đăng ký cho tham gia 2 cuộc thi tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em, nhưng kết quả là em đều bị loại ngay từ vòng đầu. Những tưởng sau thất bại đó, bố mẹ Thảo Anh sẽ điều chỉnh lại việc học năng khiếu cho con, song lịch học của cô bé lại được tăng cường hơn trước. “Cháu đã nói cháu không biết hát, không thích hát, không thích học đàn, học múa, chỉ thích học vẽ thôi nhưng bố mẹ cháu không đồng ý. Bố mẹ còn mắng cháu là lười biếng, không chịu cố gắng, làm tốn tiền của bố mẹ. Cháu chỉ mong nhanh hết hè để được đến trường, không phải học năng khiếu nữa”- Thảo Anh tâm sự.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi thấy con gái của cô bạn được vào vòng trong cuộc thi giọng hát hay dành cho trẻ em, tiếng tăm bỗng nổi như cồn, cả nước biết mặt, người người biết tên, chị Vũ Ngọc Giang (ở phường Kim Mã, quận Ba Đình) như ngồi trên đống lửa. Chị đưa cô con gái 14 tuổi đến đăng ký học tại một trung tâm đào tạo ca sỹ. Theo đó, tất cả mọi hoạt động vui chơi, du lịch trong hè của cháu đều bị hoãn vô thời hạn để tập trung cho việc thành… ca sĩ nổi tiếng. Tuy vậy, mới học được 2 hôm, con gái chị Giang nằng nặc xin mẹ cho nghỉ học với lý do “không hợp”. Ngay cả giáo viên dạy nhạc của cháu cũng khuyên chị Giang nên cân nhắc cho con theo học môn khác do giọng hát của cháu quá yếu, khả năng cảm thụ âm nhạc kém. Một phần vì tiếc tiền, một phần vì mong muốn con nhanh trở thành “sao”, chị Giang không chấp nhận cho con nghỉ còn ép cháu học thêm một lớp “tìm hiểu âm nhạc”. Chán nản, cô con gái chị Giang đã khóa trái cửa phòng, kiên quyết nhịn ăn. Chỉ đến khi đó, chị Giang mới xuống nước, đồng ý cho con gái tiếp tục học khiêu vũ như cháu mong muốn.

Không chỉ “ép” con học hát, nhiều bậc cha mẹ còn “nhồi” con học nhạc, học vẽ, học làm người mẫu, làm người dẫn chương trình để… nhanh nổi tiếng. Với suy nghĩ đơn giản, đây là những nghề “hot”, không phải học hành quá nhiều, không tốn nhiều công sức song thu nhập lại cao nên không ít phụ huynh đã buộc con cái mình phải theo sự sắp đặt của cha mẹ mà không cần biết chúng có thực sự mong muốn hay không và sở thích của chúng là gì.

Lợi bất cập hại

Có thể nói hiện nay, không ít phụ huynh khi cho con học năng khiếu chỉ vì kỳ vọng quá lớn vào con cái và chạy theo phong trào mà không cân nhắc đến năng lực, sở thích của con. Thực tế, có không ít gia đình đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ, cho con học đàn, học hát… trong một thời gian dài, song kết quả chỉ là sự tốn kém của gia đình và sự mệt mỏi của con trẻ. Có những em theo học piano, thanh nhạc 5, 6 năm, hát tạm được và đàn cũng khá song để phát triển thành ngôi sao là điều không thể vì các em không có năng khiếu và đam mê thực sự. Nguy hiểm ở chỗ, bản thân các em khi bị cha mẹ định hướng sai đã mất đi không ít thời gian và cơ hội phát triển đúng khả năng của mình.

Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên nhìn nhận, mong muốn có được những đứa con thông minh, giỏi giang hơn người là nguyện vọng chính đáng của các bậc cha mẹ. Song họ cần hiểu rằng, không phải đứa trẻ nào cũng có năng khiếu bẩm sinh, tài năng xuất chúng. Đối với đứa trẻ bình thường, việc bị bắt buộc học các môn năng khiếu càng khiến các em tự ti và chán nản. Bởi, dù có cố gắng đến mấy chúng cũng không thể thành công bằng những bạn có năng khiếu. Điều này cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết, ảo tưởng và ngộ nhận của nhiều bậc phụ huynh. Hơn nữa, việc học năng khiếu chỉ cần thiết khi trẻ từ 10 tuổi trở lên với những em có tài năng thực sự. 

Ai cũng muốn con mình có tài năng nổi trội để làm rạng danh gia đình. Song vì lý do đó mà không ít bậc cha mẹ đã ra sức nhồi nhét, ép buộc con mình thành ngôi sao ngay từ khi con còn nhỏ. Điều này không chỉ phản tác dụng mà còn làm mất đi tuổi thơ của trẻ. Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trước khi quyết định cho con theo học bất kỳ môn năng khiếu nào, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của con, tuyệt đối không nên ép buộc hoặc nóng vội chỉ vì sự ảo tưởng và ích kỷ của chính bản thân mình.