Môn Ngữ văn sẽ có nhiều "đất" sáng tạo

ANTD.VN - Một trong những môn học có “đột biến” trong dự thảo chương trình phổ thông mới chính là môn Ngữ văn khi không còn “đóng đinh” những tác phẩm bắt buộc phải học.

Nhiều giáo viên Ngữ văn bày tỏ đồng tình với hướng đi mới của môn học này trong chương trình phổ thông mới đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến. Tuy nhiên, cùng với đó là những lo ngại về chênh lệch năng lực thực sự của giáo viên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học sinh.

Môn Ngữ văn sẽ có nhiều "đất" sáng tạo ảnh 1Môn Ngữ văn đang được các trường học đổi mới giảng dạy gắn với thực tiễn, sáng tạo

Gắn văn học với cuộc sống

Lâu nay, môn Ngữ văn vẫn bị học sinh kêu chán, thậm chí là sợ khi phải tiếp cận với những tác phẩm kinh điển nhưng ít hơi hướng thời đại. Bà Nguyễn Vĩnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường THCS Pascal (Hà Nội) cho biết, nếu chỉ học văn trong sách giáo khoa thì không đủ và không đạt yêu cầu, mục tiêu của bộ môn này. Chính vì vậy, song hành với chương trình sách giáo khoa hiện hành, nhà trường đã “chạy” thêm một chương trình ngoại khóa dài hơi 3 năm nay có tên “Sống và viết”. Đây là hoạt động nhằm thực tế hóa môn Ngữ văn, để môn học mang hơi thở cuộc sống, để học sinh thực sự cảm nhận bằng chính ngôn ngữ, tình cảm của mình.

Điều này không phải trường học nào cũng có điều kiện thực hiện với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, với dự thảo chương trình Ngữ văn mới, giáo viên hoàn toàn có thể mở rộng không gian và hình thức giảng dạy cho học sinh như đưa các em đi xem các vở kịch được xây dựng dựa trên các tác phẩm văn học hoặc tự phân đoạn để các em được tham gia đóng kịch… Gắn văn học với cuộc sống để các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Quan trọng hơn, dựa trên mục tiêu mà dự thảo đã nêu, mỗi giáo viên sẽ cụ thể hóa mục tiêu này ra, tùy cấp độ, văn học giúp các em có được cách hành văn mạch lạc, sử dụng tiếng Việt lưu loát, có vốn từ phong phú, đọc, hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương, phát triển con người nhân văn, sống có cảm xúc, tình cảm, biết chia sẻ và yêu thương mọi người xung quanh… Dự thảo môn học này cũng rất chú trọng đến kỹ năng nói của học sinh để tăng khả năng giao tiếp, tranh luận,… để các em thấy được tính thiết thực của môn văn, thay vì hiện nay có không ít em học văn để đối phó thi cử.

Thắc mắc về 6 tác phẩm bắt buộc

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ về định hướng cấu trúc chương trình môn Ngữ văn mới gồm 2 phần: bắt buộc và tự chọn, để giáo viên có cơ hội lựa chọn những tác phẩm mình tâm đắc để dạy, cô giáo Phan Thanh Vân, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An lo ngại: “Bất cập dễ nhận thấy là tính chất không đồng đều về năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, quan điểm dạy học... của giáo viên ở các vùng miền khác nhau sẽ dẫn đến chất lượng dạy học không đồng đều và không đạt được mục đích của môn học như định hướng đã nêu trong dự thảo”. 

Bên cạnh đó, băn khoăn mà cô giáo Phan Thanh Vân đưa ra là Ban dự thảo chương trình dựa vào cơ sở khoa học nào để lựa chọn 6 tác phẩm bắt buộc. “Việc lựa chọn 6 văn bản bắt buộc (“Nam quốc sơn hà”; “Hịch tướng sĩ”; “Bình Ngô đại cáo”; “Truyện Kiều”; “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”; “Tuyên ngôn Độc lập”) vừa thừa lại vừa thiếu. Có đến 5/6 văn bản thuộc cảm hứng yêu nước, chỉ một văn bản mang cảm hứng nhân đạo. Cả 6 tác phẩm này đều thuộc giai đoạn từ thế kỷ X đến 1945, thiếu hẳn mảng văn học hiện đại và cảm hứng thế sự đời tư”, cô giáo Phan Thanh Vân chia sẻ. 

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn giải thích, việc lựa chọn tác phẩm bắt buộc đều dựa vào các tiêu chí phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình; Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh ở từng lớp/cấp học; Giúp học sinh có hứng thú đọc văn; Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ; Phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc như tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia, tính nhân văn, lòng nhân ái, khoan dung và những giá trị phổ quát của nhân loại.

Riêng 6 tác phẩm bắt buộc còn phải có vị trí và tầm quan trọng bậc nhất về tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc và giá trị nhân văn; có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc; có giá trị và tác động lâu bền đối với nhiều thế hệ. Đó cũng là những áng văn tiêu biểu cho hình thức các thể loại “văn, sử, triết bất phân”, mang nhiều giá trị đặc sắc của lịch sử văn học dân tộc; tư tưởng của các tác phẩm này vẫn có ảnh hưởng sâu sắc và hiện vẫn truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Đó có thể coi là một trong những yêu cầu bắt buộc về một số tác phẩm mà học sinh phổ thông có bằng tú tài phải biết.

“Không phải học sinh chỉ được học 6 tác phẩm này mà còn được tiếp xúc, đọc hiểu, phân tích và đánh giá hàng trăm tác phẩm khác nữa. Giáo viên Ngữ văn sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu về đọc hiểu theo các thể loại của văn học hiện đại kể cả mảng văn học mang cảm hứng thế sự đời tư, đề tài và cảm hứng chỉ có ở văn học Việt Nam sau năm 1986”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết.