Mối nguy hiểm của siêu vi khuẩn kháng thuốc

ANTĐ - Thế giới gần đây đã cảnh báo về tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc bằng các cụm từ “cơn ác mộng vi khuẩn” hoặc “siêu vi khuẩn chết người”. Một báo cáo khoa học của Mỹ đã chỉ ra: Đến năm 2050, các bệnh nhiễm trùng có thể giết chết 10 triệu người trên toàn thế giới - nhiều hơn tất cả các loại ung thư kết hợp lại.

Mối nguy hiểm của siêu vi khuẩn kháng thuốc  ảnh 1Không tự tiện uống kháng sinh sẽ giúp con người kìm hãm sự lây lan của siêu vi khuẩn

Siêu vi khuẩn là gì?

Đây không phải là thuật ngữ y học mà là cách gọi thông dụng chỉ một lớp vi khuẩn nguy hiểm, thường là vi khuẩn đã biến thể để chống lại các loại thuốc mà con người thường xuyên sử dụng nhất để điều trị chúng. Chính vì vậy mà các siêu vi khuẩn này cũng được hiểu là siêu vi khuẩn kháng thuốc hoặc kháng thuốc kháng sinh.

Tại sao chúng có khả năng đột biến như vậy?

Giống như bất kỳ sinh vật sống nào, vi khuẩn có thể sinh sôi cũng như có thể đột biến để sinh tồn. Một số loài sẽ tự biến thể  để tăng khả năng kháng thuốc tiêu diệt chúng. Mỗi khi con người sử dụng loại thuốc kháng sinh nào đó, chỉ có các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc điều trị mới sống sót được để nhân lên, sinh ra các dòng vi khuẩn kháng thuốc mới.

Vì sao giờ chúng ta nghe nói về siêu vi khuẩn nhiều hơn?

Vì các bệnh nhiễm trùng ngày càng tăng. Ước tính mỗi năm có ít nhất 2 triệu người Mỹ bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và khoảng 700.000 người chết vì bị nhiễm trùng như trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không nhận thức được và hành động mạnh mẽ hơn, con số này có thể lên đến 10 triệu người vào năm 2050. Các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo, một số siêu vi khuẩn trở thành mối đe dọa khẩn cấp hiện nay là: CRE, một loại vi khuẩn quen thuộc nhiễm trong thực phẩm có khả năng chống lại mọi loại trụ sinh, C. difficile gây bệnh tả và Neisseria gonorrhoeae – nguyên nhân của “bệnh lậu hết thuốc chữa”, chưa kể nhiều siêu vi khuẩn gây hậu quả nghiêm trọng khác như gây tiêu chảy, viêm màng não, lao phổi, nhiễm trùng huyết…

Nguy cơ nhiễm bệnh ở người khỏe mạnh trung bình thế nào?

 Ở môi trường bệnh viện hay cơ sở y tế, nguy cơ nhiễm trùng kháng thuốc phổ biến hơn cả. Cùng với đó, những người cần có sự chăm sóc y tế vì hệ miễn dịch đã suy yếu nên dễ bị nhiễm trùng hơn. Lưu ý rằng nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ ca phẫu thuật nào nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1% trường hợp.

Nên làm gì để bảo vệ bản thân?

Các giải pháp điều trị mang tính hạn chế bởi vì các vi khuẩn gây nhiễm trùng này có khả năng kháng thuốc kháng sinh, vì thế phòng ngừa là biện pháp tốt nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến khích những người lo ngại về nhiễm trùng do siêu vi khuẩn kháng thuốc nên cập nhật thông tin về   vaccine, tự chăm lo sức khỏe tổng thể để bản thân luôn khỏe mạnh, tránh phải ra vào các cơ sở y tế nói chung. Việc rửa tay kỹ ở bệnh viện phải được thực hành thường xuyên. Nhưng quan trọng nhất là tránh chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh không cần thiết. Uống thuốc kháng sinh khi không cần thiết có thể tăng nguy cơ nhiễm siêu vi khuẩn kháng thuốc. Hãy nhớ rằng kháng sinh không thể chống lại virus, vì vậy không nên tùy tiện uống kháng sinh khi có triệu chứng cúm.

Với thuốc kháng sinh trong thực phẩm thì sao?

Các vi trùng có trong nguồn thực phẩm của chúng ta cũng có thể trở nên kháng thuốc. Thuốc kháng sinh đôi khi được cho vào thức ăn chăn nuôi để gia súc, gia cầm tăng cân nhanh, điều này góp phần tạo ra siêu vi khuẩn kháng thuốc. Thực tế đã chứng minh, một chủng đặc biệt của vi khuẩn E.coli kháng thuốc dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với trước và một số nhà nghiên cứu cho rằng khi ăn thịt gà nhiễm E. coli kháng thuốc, vi khuẩn sẽ lan sang đường ruột của người và cuối cùng có thể sẽ gây nhiễm trùng tiểu.