Mối nguy hại tiềm ẩn của điện thoại di động với sức khỏe trẻ em

ANTD.VN - Những thiết bị điện tử dần trở thành vật hữu dụng để bố mẹ dỗ con ăn, tránh nghịch ngợm. Tuy nhiên, việc trẻ sử dụng điện thoại quá sớm, thường xuyên lại tiềm ẩn những mối nguy hiểm với sức khỏe trẻ.

Mối nguy hại tiềm ẩn của điện thoại di động với sức khỏe trẻ em ảnh 1Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh trong 5 năm đầu đời

Thị lực kém, mắc các bệnh về mắt: Mắt trẻ nhỏ rất yếu, nên không thể chịu được cường độ ánh sáng mạnh. Khi cầm điện thoại, trẻ thường xuyên nhìn vào màn hình. Mắt trẻ đang trong quá trình phát triển, bức xạ từ điện thoại sẽ tác động trực tiếp đến thị giác vốn đã yếu ớt của trẻ. Việc này có thể khiến mắt trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến trẻ suy giảm thị lực và gây ra nhiều bệnh về mắt.

Nhiễm khuẩn: Các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) đã phát hiện ra rằng điện thoại di động mang nhiều vi khuẩn gấp 10 lần so với hầu hết các bồn cầu trong nhà vệ sinh. Chính vì thế, việc ăn uống sau khi sử dụng di động làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Bệnh tim mạch: Những bức xạ phát ra từ điện thoại di động có thể gây ra những rối loạn chức năng tim.

Nguy cơ mỏng vỏ não: Theo một nghiên cứu của Mỹ, các nhà khoa học thấy rằng những trẻ em dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và chơi các trò chơi video hơn 7 giờ/ngày đã có dấu hiệu bị mỏng vỏ não sớm hơn so với những trẻ em không sử dụng những thiết bị này.

Phát triển khối u: Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em sử dụng điện thoại di động nhiều khả năng phát triển của khối u lành tính trong não và tai.

Giảm khả năng tập trung: Các sóng vô tuyến từ điện thoại di động sẽ thâm nhập sâu vào não, không chỉ xung quanh tai. Nếu trẻ sử dụng điện thoại vào giờ ra chơi thì khi vào học bé khó tập trung được hơn, giảm khả năng học tập và các việc khác.

Ung thư: Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), bức xạ điện thoại di động có thể gây ung thư cho con người. Trẻ em hấp thụ nhiều hơn 60% bức xạ so với người lớn.

Viện Nghiên cứu Y khoa trẻ em Mỹ và Hội Y khoa Canada cảnh báo không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức 2 tiếng mỗi ngày. 

Gây khó khăn trong học tập: Trẻ sử dụng điện thoại trước khi học sẽ dễ bị phân tán tư tưởng khi ngồi học, gây khó khăn trong học tập. Nhiều trẻ nghiện điện thoại di động, không có nhu cầu giao tiếp với cả người thân khiến trẻ dễ thu mình, xa lánh với xã hội.

Chậm phát triển: Các chuyên gia đều khẳng định, bức xạ điện thoại khiến trẻ chậm phát triển. Nghe điện thoại cạnh trẻ sơ sinh cũng làm tăng lượng bức xạ. Đặc biệt, nếu cha mẹ sạc điện thoại ở gần nơi trẻ nằm, thì bức xạ cao gấp 1.000 lần bình thường. Đây cũng là một trong những lý do khiến trẻ thường quấy khóc và chậm lớn.

Lệch cổ, thoái hóa đốt sống cổ: Khi trẻ em chơi trò chơi hay xem phim trên smartphone, chúng thường ngồi “bất động” và giữ tư thế đó trong một thời gian dài hoặc nằm nghẹo đầu nghẹo cổ. Lâu và thường xuyên như vậy, cổ sẽ cúi gập xuống gây võng xương hoặc bị lệch.

Tăng khả năng mắc bệnh tâm thần: Theo các chuyên gia, dành quá nhiều thời gian trên smartphone hoặc máy tính bảng là một yếu tố làm tăng trầm cảm, lo âu, rối loạn phản ứng gắn bó, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần, và hành vi của trẻ có vấn đề. Khi chơi các thiết bị công nghệ thông minh, cảm xúc của trẻ dễ bị tách ra, có rất nhiều trẻ bị mắc chứng bạo lực internet hoặc hành động không bình thường.

Gây mất ngủ: Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh cho biết, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng smartphone thường bị mất ngủ, từ đó dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, học tập suy giảm, hành xử sai trái, giảm khả năng nhận thức. Nguyên nhân bởi vì smartphone phát ra những ánh sáng được gọi là ánh sáng xanh gây ức chế sự sản xuất hormone melatonin gây ngủ và phá vỡ nhịp sinh học của con người.

Béo phì: Một nghiên cứu Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy những trẻ em dùng máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh hơn 5 tiếng mỗi ngày tăng 43% nguy cơ bị béo phì. Lý do là trẻ “nghiện” thiết bị di động thì ít tập thể dục hơn và có chế độ ăn kém lành mạnh hơn.

Để hạn chế con trẻ dùng smartphone

Cha mẹ không để trẻ tiếp xúc và sử dụng smartphone quá sớm. Khi ngủ, hãy tắt wifi và chuyển điện thoại qua chế độ máy bay. Không để điện thoại dưới gối hay gần đầu trong lúc ngủ, đặc biệt là nếu bố mẹ ngủ chung với trẻ. Không dùng điện thoại di động để chụp ảnh trẻ sơ sinh với đèn flash. Hạn chế dùng điện thoại thông minh với trẻ trong 5 năm đầu đời. Không sạc điện thoại ở đầu giường nơi trẻ nằm. Hạn chế tối đa dùng điện thoại, gọi điện khi ở gần trẻ và trong phòng trẻ.