Mối lái thời @

ANTĐ - Lo ngại dân số ngày càng già đi trong khi tỷ lệ sinh thấp ở mức báo động, một số cơ quan chính phủ Hàn Quốc đã mở các “tiệc hẹn hò cấp tốc” để thanh niên nhanh chóng tìm được bạn đời cho mình. Trong lĩnh vực mai mối này còn có sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, các tổ chức với nhiều hình thức đặc biệt.  

Quang cảnh một sự kiện mai mối tại Seoul hồi tháng 5-2013

Nhiệt tình “xúc tiến hôn nhân”

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc có ý tưởng tổ chức các buổi hẹn hò này từ năm 2010. Được sự ủng hộ nhiệt tình của vị Bộ trưởng thời điểm đó, bà Cheon Jae-hee, Bộ này đã tổ chức được 4 bữa tiệc hẹn hò “cấp tốc” cho lao động tại các doanh nghiệp địa phương. Bà Cheon làm chủ hôn cho cặp đôi đầu tiên, chú rể 31 tuổi trong niềm xúc động khôn tả đã cảm ơn Chính phủ và phân vân liệu họ sinh 2 con có đủ đáp ứng sự mong đợi của nhà chức trách hay không. 

Kể từ đó, tài trợ đã được rót cho các hoạt động thúc đẩy hôn nhân và sinh con đều có thể được thưởng tiền. Và nghịch lý là, nếu như trước đây Hàn Quốc thành công trong chiến dịch thắt ống dẫn tinh do lo ngại bùng nổ dân số thì giờ đây họ phải làm điều ngược lại, chật vật để khuyến khích sinh con.

Quan chức chính phủ Hàn Quốc cũng không phải là lực lượng duy nhất muốn thay thế vai trò của “bà mối” truyền thống. Ý thức được nguy cơ thiếu lao động do dân số già, các tập đoàn, doanh nghiệp cũng chính thức gỡ bỏ quy định cấm “tình yêu văn phòng”, thậm chí còn trả thêm tiền để nhân viên tham gia các dịch vụ hẹn hò. Có những công ty mở quầy bar ngay tại trụ sở mà nhân viên phục vụ kiêm luôn “nhiệm vụ” mối lái. Ngoài nhiều dịch vụ hẹn hò trực tuyến, các trung tâm môi giới, thanh niên Hàn Quốc vẫn thích cách gán ghép truyền thống dựa vào quan hệ quê hương, trường học, công ty…

Những năm gần đây, không còn quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, giới trẻ Hàn Quốc muốn tự tìm “đối tác” cho mình. Tuy nhiên, phương pháp tìm kiếm bạn đời kiểu quá mới cũng khiến họ gặp không ít khó khăn. Điển hình là sự kiện nhảy flash mob (vũ điệu cộng đồng) tại Seoul Giáng sinh năm ngoái. Dù trời lạnh, khoảng 3.000 bạn trẻ đã có mặt tại khoảng sân lớn trước tòa nhà Yoido Plaza. Đúng 3h24 chiều, tín hiệu vang lên, báo hiệu hai nhóm nam và nữ có thể lao vào nhau để tìm người mà mình cảm thấy hợp nhất. Nhưng nhiều người ngại ngùng đứng ngây tại chỗ, sự kiện thất bại sau 10 phút. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu nằm ở sự nhút nhát, thận trọng của thanh niên  vì với họ, khi tiếp cận người lạ để bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc thì cần có sự giới thiệu thích hợp.

Càng hiện đại càng… ế

Năm 2011, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Hàn Quốc là 29,14 tuổi, tăng từ 24,8 tuổi năm 1990, đối với nam giới, độ tuổi kết hôn trung bình cũng tăng từ 27,9 lên 31,8 tuổi. Ngược lại, tỷ lệ sinh của nước này “xuống đáy” - 1,15 con trên một phụ nữ, mức thấp nhất trong số các nước phát triển trên thế giới.

Khó khăn trong việc hẹn hò, gặp gỡ “bạn đời tiềm năng” nên người Hàn Quốc ngày càng có xu hướng kết hôn muộn. Theo các nhà phân tích, phụ nữ sợ lấy chồng vì một khi đã lập gia đình, nhiều người buộc phải bỏ việc để chăm sóc con cái, ở nhà nội trợ. Vả lại, “phụ nữ Hàn Quốc quá cầu kỳ với đủ loại tiêu chuẩn, nào là chàng trai phải tốt nghiệp trường đại học nào, có xe riêng hay không, còn đàn ông chỉ quan tâm đến ngoại hình của phụ nữ”, Yu Tae-hyeong, một thành viên tổ chức sự kiện Giáng sinh trên cho biết. 

Cho đến nay, nhiều người trẻ cho rằng, việc mai mối theo kiểu nhà nước là sự kết hợp tốt nhất giữa cái cũ và mới. Các quan chức địa phương kiểm tra lý lịch rất kỹ lưỡng, nên một khi ứng viên đã qua vòng xét tuyển, họ khuyến khích mọi người tự do tìm hiểu. Đó là chút an ủi cho những người độc thân khi tham gia các buổi hẹn hò cấp tốc.