Mô hình bác sĩ gia đình, đâu cũng kêu khó vì… thiếu đủ thứ

ANTD.VN -Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã được Bộ Y tế triển khai 3 năm nay, thí điểm tại 8 tỉnh song hiện vẫn rất… loay hoay, vướng mắc đủ bề vì ở đâu cũng kêu khó.

 

Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã được Bộ Y tế triển khai 3 năm nay, thí điểm tại 8 tỉnh, song hiện vẫn rất… loay hoay, vướng mắc đủ bề vì ở đâu cũng kêu khó.

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình vẫn đang loay hoay tìm lối đi

Tại hội nghị Nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình do Bộ Y tế vừa tổ chức ngày 19-12, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2013 - 2017, 8 tỉnh triển khai thí điểm đề án BSGĐ đã thành lập được 350 cơ sở khám chữa bệnh bằng y học gia đình. Tuy vậy, thực tế triển khai mô hình này đang gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất hạn chế.

Cụ thể, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ. Nhiều phòng khám BSGĐ, đặc biệt tại trạm y tế còn thiếu thuốc điều trị các bệnh thông thường.

Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình cũng còn thiế và yếu. Chưa kể, thanh toán BHYT các dịch vụ tại phòng khám BSGĐ còn gặp nhiều khó khăn…

Vậy vì sao một mô hình hay, tiên tiến được nhiều nước áp dụng trên thế giới song ở Việt Nam vẫn “loay hoay” tìm lối đi? Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị. Trong đó, đại diện ngành y tế các tỉnh/ thành đang triển khai thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ đều “kêu khó” vì khi triển khai mô hình này trong thực tiễn thì thấy thiếu đủ thứ.

Chẳng hạn, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng, thách thức lớn nhất của địa phương khi thực hiện mô hình là cơ chế, chính sách cho cán bộ y tế trong mạng lưới BSGĐ chưa cụ thể, chưa khuyến khích được hoạt động của đội ngũ này.

Tương tự, việc phân tuyến thuốc sử dụng theo 4 tuyến quy định tại Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế vô hình chung tạo rào cản cho bệnh nhân khi muốn khám chữa bệnh tại tuyến xã. Khánh Hòa hiện cũng chưa có sự kết nối tiếp nhận giữa hệ thống chuyển tuyến của phòng khám BSGĐ.

Hay đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho rằng, Bộ Y tế cần có quy định bác sĩ tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi trả bệnh nhân về BSGĐ quản lý thì quy định rõ cơ quan nào chi trả cho hoạt động y tế dự phòng, BHYT….