"Mở cửa" đến với cộng đồng

ANTD.VN - Vô cảm, không quan tâm đến ai ngoài bản thân, trầm cảm vì áp lực quá lớn trong học tập, hay thiếu chia sẻ đến những vấn đề dân sinh bức xúc xung quanh… đang trở thành mối lo ngại khi nhìn vào lối sống của giới trẻ. Tuy nhiên, đây không phải là mẫu số chung với tất cả thanh thiếu niên. Có rất nhiều bạn trẻ sớm nhận ra vấn đề  đã nỗ lực thay đổi bản thân,hỗ trợ bạn bè và không ngừng sáng tạo vì cộng đồng.

Giới trẻ hào hứng tham gia vào các hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng cũng như cải thiện sự vô cảm của bản thân

 

Xóa bỏ thói vô cảm của chính mình

Câu chuyện về thói vô cảm và trăn trở tìm ra giải pháp thay đổi được Phạm Thành Long, học sinh lớp 11 A4 trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) rút ra từ chính bản thân và  bạn bè cùng trang lứa với Long.

“Em tự nhận thấy mình đang sống bó hẹp trong phạm vi học tập, sinh hoạt cá nhân, không muốn chia sẻ, cũng chẳng quan tâm đến những người xung quanh từ thầy cô, bạn bè tới cả người trong gia đình chứ chưa nói đến xã hội nói chung. Mong muốn thay đổi đến với em khi cô Lê Thị Phương, giáo viên dạy Văn của trường gợi ý về việc tham gia tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp với những biểu hiện vô cảm của học sinh” - Phạm Thành Long chia sẻ.

Đề tài này của Long đã chính thức bước vào vòng thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học đang diễn ra tại Hà Nội sau khi khởi động từ tháng 8-2016. “Khảo sát thực tế từ một số trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, em nhận thấy khá nhiều bạn có tình trạng tương tự như mình, không quan tâm, không chia sẻ, gần như đóng kín bản thân” - Phạm Thành Long nhận xét. 

Điều này được cụ thể hóa qua 16 biểu hiện cụ thể được đề tài tổng kết như thờ ơ với vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, con người; thờ ơ với chính cuộc sống, tương lai bản thân; không biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, dửng dưng với nỗi đau, vất vả, mệt mỏi của người khác; không có cảm giác hối hận khi làm điều gì không tốt cho người khác… 

Việc nghiên cứu mức độ vô cảm của học sinh THPT được Phạm Thành Long, Trương Minh Trí đánh giá qua khảo sát mức độ tham gia vào các hoạt động chung, giúp đỡ mọi người xung quanh, phản ứng lại với cái xấu, biết nhận lỗi khi có lỗi, không gây hại đến người khác. Kết quả cho thấy, số học sinh tham gia khảo sát thì có 6,32% ở mức độ vô cảm cao, 79% ở mức độ vô cảm trung bình… 

Cũng theo nhóm tác giả này, bản thân các bạn học sinh khi được hỏi về đánh giá của mình với hiện tượng vô cảm thì có tới hơn 2/3 số bạn cho rằng sự vô cảm là hiện tượng phổ biến trong giới trẻ. Trước thực trạng này, nhóm tác giả đề tài nghiên cứu khẳng định, không thể vô cảm trước hiện tượng vô cảm, vô cảm dễ lây lan nhưng lại không dễ dàng loại bỏ.

“Bài học để chữa thói vô cảm cho chính mình khi tham gia đề tài này là sự cần thiết phải mở lòng, chia sẻ với bạn bè, thầy cô, người thân. Từ đó sẽ điều chỉnh thói quen khép kín, không quan tâm tới người khác” - Phạm Thành Long cho biết. 

Chính vì vậy, giải pháp được nhóm tác giả hướng tới chính là thúc đẩy các hoạt động thiện nguyện với các bạn học sinh trong nhà trường, tăng cường tuyên truyền cho các dự án giao lưu giữa thầy trò, gia đình đã và đang được triển khai như dự án Đừng định kiến; Khi con trưởng thành; Học văn để sống…

Việc rèn luyện kỹ năng, giá trị sống cũng được nhóm nghiên cứu đề cập đến, trong đó tập trung vào những đề tài như Văn hóa tri ân; Chọn nghề là chọn số phận; Vượt qua những áp lực; Văn hóa xin lỗi, cảm ơn…

Câu lạc bộ cho những học sinh bị stress 

“Càng học giỏi thì áp lực học tập lại càng lớn. Rất nhiều học sinh đang rơi vào tình trạng này mà không nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, dẫn tới sự thụt lùi trong học tập, thậm chí là những phản ứng tiêu cực với bản thân và mọi người xung quanh” - Phạm Minh Châu, học sinh lớp 11A3, trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ. 

Cũng theo Phạm Minh Châu, các bạn học kém, trung bình cũng chịu áp lực rất lớn, kéo theo sự tự ti, dấu mình, không dám thể hiện bản thân dẫn tới ngày càng học tập kém hiệu quả. “Phỏng vấn hơn 200 học sinh THPT và đánh giá qua bảng test tâm lý, kết quả thu được cho thấy có tới 28% học sinh mắc stress từ cấp độ nặng đến mức độ vừa. Nguyên nhân chung, theo tìm hiểu của em chính là do thiếu kỹ năng ứng phó” - Phạm Minh Châu phân tích.

Từ những tìm hiểu này, mô hình câu lạc bộ chia sẻ, hỗ trợ những bạn học sinh gặp khó khăn trong học tập đã được hình thành trong trường THPT Trần Nhân Tông. “Chỉ 1 tuần một lần nhưng qua gần 2 tháng hoạt động, các thành viên tham gia đã tăng dần và không giới hạn chỉ là học sinh trong trường. Trong câu lạc bộ, hoạt động chính mà chúng em đưa ra là tổ chức hướng dẫn vận dụng phương pháp học tập chủ động qua ứng dụng các kỹ thuật học tập trong cách soạn bài, làm bài tập, các chiến lược ôn tập cho việc thi cử, quản lý cảm xúc và vượt qua sự lười biếng…” - Phạm Minh Châu mô tả hoạt động của câu lạc bộ do em khởi xướng.

Ngoài ra, việc làm thế nào để thư giãn, trao đổi với giáo viên về đánh giá năng lực học sinh theo hướng tích cực, tham quan dã ngoại… đều đang được triển khai trong mô hình câu lạc bộ. 

“Các bạn bị căng thẳng sẽ thường xuyên mất ngủ, gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, mệt mỏi, học tập không hiệu quả… Mặc dù không quá nhiều học sinh bị stress nhưng nếu nắm được những kỹ năng ứng phó, chia sẻ với bạn bè, thầy cô, được hỗ trợ tư vấn tâm lý, tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh… thì sẽ có rất nhiều bạn tiến bộ trong cả học tập và phát triển nhân cách. Với định hướng này, em sẽ tiếp tục duy trì hoạt động câu lạc bộ để có thể đưa ra những số liệu nghiên cứu đầy đủ hơn cho đề tài của mình” - Phạm Minh Châu cho biết. 

Với sự hỗ trợ, động viên của thầy cô, gia đình cùng nhiều bạn bè, Châu khẳng định sẽ kiên trì bám theo hoạt động này và sau 6 tháng sẽ có những đánh giá lại về tâm lý với những thành viên tham gia câu lạc bộ của mình để có được những định hướng tốt nhất trong việc giảm stress cho các bạn học sinh hiện nay.