Mất an toàn thực phẩm gây thiệt hại 700 triệu USD/năm, thực tế còn nghiêm trọng hơn

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 700 triệu USD/năm, mà nó còn là mối nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và thế hệ tương lai của đất nước.

Thị trường tiêu thụ thực phẩm trong nước ngày càng phát triển

Mới đây, tại Diễn đàn An toàn thực phẩm (ATTP) quốc tế lần thứ 7 được tổ chức tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đưa ra thông tin khiến nhiều người sốc: Việt Nam bị thiệt hại khoảng 700 triệu USD/năm do vấn đề mất ATTP.

Theo ông Ousmane Dione, năm 2017 giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam lên tới hơn 18 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần lưu ý kiểm soát chặt hơn nữa thị trường thực phẩm nội địa, đồng thời có những chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bền vững hơn.

Tán thành với quan điểm trên, Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, hiện đơn vị này cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về ATTP để người dân biết, theo dõi và lựa chọn sản phẩm.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 401.653 cơ sở, phát hiện 77.105 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền hơn 42,5 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu như: Sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức…

Các chuyên gia trong nước nhấn mạnh, để nền sản xuất đảm bảo ATVSTP thì chính các doanh nghiệp phải vượt qua rào cản tâm lý, thực sự hiểu được những giá trị mà các tiêu chuẩn quốc tế về ATTP mang lại; cần xem việc đầu tư vào các tiêu chuẩn ATTP là một loại chi phí và là một khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nâng cao giá trị thương hiệu.

Cùng đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao kiến thức cơ bản cho chủ doanh nghiệp và người lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung - cầu về sản phẩm ATTP thông qua các chuỗi và tạo đầu ra cho doanh nghiệp thông qua hệ thống phân phối trong nước; làm trong sạch môi trường kinh doanh, quyết nói không với thực phẩm bẩn.