Mất an ninh mạng có thể gây ra thảm họa

ANTD.VN - Chiều 9-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lấy ý kiến về dự Luật An ninh mạng. 

An ninh mạng là yêu cầu bức thiết hiện nay

Đánh giá tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận - Cục trưởng Cục an ninh mạng (Bộ Công an) cho rằng, xuất phát từ thực tiễn, an ninh mạng có vai trò quan trọng nên Quốc hội thông qua xây dựng Dự án Luật An ninh mạng. Bởi mất an ninh mạng nếu không được xử lý nhanh chóng sẽ gây ra thảm hoạ. Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an ninh mạng, trong đó thiết bị không đảm bảo cũng là nguyên nhân mất an ninh mạng.

Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 7 chương và 61 điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung, hoạt động, điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng và có liên quan tới hoạt động bảo vệ an ninh mạng.

Với nước phát triển nhanh như Việt Nam, nhu cầu đảm bảo an ninh mạng, bảo mật rất cao, bởi mất an ninh mạng sẽ làm phương tổn tới lợi ích quốc gia và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.

Trước thực trạng có không ít thiết bị nghi rò rỉ thông tin dữ liệu, được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc gần đây, Tiến sĩ Mai Anh- Chủ tịch Hội tin học viễn thông Hà Nội cho hay: "Việc mua sắm, nhập khẩu trang thiết bị quan trọng cần phải được luật hoá, tránh các nhà cung cấp đã được thế giới nhận diện về việc cài đặt sẵn những thiết bị nằm vùng. Luật nên có một chương điều chỉnh vấn đề xây dựng, quản lý hạ tầng cơ sở mạng quốc gia".

Góp ý cho dự thảo Luật ở phương diện khác, ông Adam Sitkoff- Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội đề nghị ban soạn thảo xác định rõ nhu cầu đặt máy chủ.

Theo đó, dự thảo yêu cầu thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng chỉ được lưu giữ bên trong lãnh thổ Việt Nam. Việc địa phương hoá dữ liệu này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận những công nghệ và dịch vụ dựa trên việc truyền tải dữ liệu quốc tế của người dùng, doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ.

“Đặt máy chủ ở đâu? Colombia, Ấn Độ hay Brazin... không bằng việc đảm bảo quy trình an ninh mạng là trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ thông tin đó nên việc áp đặt phải có máy chủ ở Việt Nam là không hợp lý”- đại diện Amcham nói. 

Ngoài ra, ông Adam Sitkoff cũng lo ngại một số điều khoản của dự thảo Luật này là đặt thêm điều kiện kinh doanh, gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp, từ đó hạn chế khả năng sáng tạo của doanh nghiệp. 

Trên thực tế, lâu nay các cơ quan quản lý của Việt Nam vẫn khó xử lý với trường hợp mất an ninh mạng có yếu tố liên quan tới nước ngoài, máy chủ đặt ở nước ngoài do chưa có quy định cụ thể. Hoạt động của các máy chủ này cũng không tuân theo pháp luật Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch- Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), tin tặc tấn công ngày càng có chủ đích hơn, ngoài mục đích kinh tế, các cuộc tấn công còn có thể nhằm mục đích chính trị. Do đó, hậu quả sẽ lớn hơn, thậm chí là thảm họa. Ví dụ, tin tặc có xu hướng tấn công hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia như sân bay, hệ thống viễn thông, điện lực…

Dự thảo Luật an ninh mạng đang được cơ quan soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội trong thời gian tới.