Mang chăn ấm đến cực bắc Tổ quốc

ANTD.VN - Những ngày cuối cùng của năm 2017, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, hàng trăm chiếc chăn, áo ấm đã được chuyển đến 5 điểm trường thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nơi có tới 90% đồng bào là người các dân tộc Mông, Nùng sinh sống... Những phần quà thiết thực và đầy ý nghĩa này như tiếp thêm sức mạnh, giúp cho các em học sinh nơi đây có thể chống chọi với mùa đông lạnh giá.

Ấm áp chiều đông miền biên ải

Vượt qua quãng đường trên 300 cây số với vô số đèo dốc cheo leo, hiểm trở và dày đặc sương mù, chiều 27-12, đoàn công tác gồm Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Thẩm mỹ viện Hải Duyên (số 66 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) đã đến huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cùng 500 suất quà tặng các em nhỏ nơi cực Bắc Tổ quốc. 

Mặc dù trời mưa nặng hạt, nhiệt độ ngoài trời giảm khá sâu nhưng khi nghe tin có đoàn công tác từ thiện ở Thủ đô Hà Nội về thăm và tặng quà, hàng trăm em học sinh tại 3 trường: Trường mầm non Thèn Chu Phìn, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn đã có mặt khá đông đủ. Nhìn các em chân trần, co ro trong những chiếc áo mỏng tang, các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi dù khá mệt, nhưng vẫn nhanh chóng bốc dỡ hàng để trao từng phần quà gồm chăn, quần áo, mũ len, ủng tới tận tay từng em.

Các em nhỏ háo hức chờ nhận quà

Nhận món quà từ tay các bác, các cô, các chú đại diện Báo An ninh Thủ đô, em Giàng Thị Quỳnh - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thèn Chu Phìn mắt đỏ hoe. Quỳnh tâm sự, do bố bỏ nhà đi, mẹ phải nuôi 2 chị em nên gia đình luôn trong cảnh thiếu thốn, chạy ăn từng bữa. Đã không ít lần Quỳnh có ý định nghỉ học để đi làm phụ giúp mẹ nhưng nghĩ đến đến sự nhiệt tình, tận tụy của các thầy cô, em lại không đành lòng. “Chiếc chăn ấm, cái áo khoác này là món quà quý giá của em và em sẽ giữ gìn nó thật cẩn thận để có thể sử dụng trong nhiều năm học tiếp theo” - Quỳnh chia sẻ.

Đại diện Báo ANTĐ tặng quà, trò chuyện với học sinh trường Tiểu học Thèn Chu Phìn

Là một trong những học sinh hăng hái, xốc vác nhất trong việc tham gia chuyển hàng từ trên xe xuống, em Vàng Seo Dế - học sinh lớp 8 Trường THCS Thèn Chu Phìn có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, nhiều năm nay Vàng Seo Dế ở với ông nội tuổi cao sức yếu, không còn khả năng lao động. Do vậy, ngoài thời gian ở trường, Vàng Seo Dế phải cáng đáng hầu hết việc nhà, kiếm củi bán kiếm tiền mua thực phẩm cho 2 ông cháu. “Chưa khi nào em nhận được nhiều quà như vậy, em vui lắm. Có chăn, áo và ủng mới, từ nay em và các bạn không còn phải lo bị lạnh nữa” - Vàng Seo Dế phấn khởi nói.

Rời 3 điểm trường trên, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và Thẩm mỹ viện Hải Duyên chúng tôi tiếp tục đến với Trường tiểu học Bản Chè và Trường tiểu học bản Péo. Điểm chung của các trường này là cơ sở vật chất thiếu thốn, đi lại khó khăn do nằm xa trung tâm, điều kiện kinh tế của người dân còn eo hẹp nên để duy trì được số lượng học sinh ổn định trong các lớp học là điều không đơn giản. Tuy vậy, ở bất cứ điểm trường nào chúng tôi cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của thầy cô cùng các em học sinh.

Mong có thêm nhiều sự quan tâm đến với vùng cao

Trao đổi với chúng tôi, cô Hà Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường mầm non Thèn Chu Phìn cho biết, toàn trường có 186 học sinh học tập tại 5 điểm trường. Các em chủ yếu là người dân tộc Mông, gia đình có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, nên chi phí cho việc ăn uống của mỗi học sinh phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền trợ cấp từ ngân sách là 120.000 đồng/tháng/một cháu. “Việc đi lại của cả cô và trò là vấn đề nan giải nhất. Vì các điểm trường lẻ ở khá xa, đường núi đá cheo leo, hiểm trở, có điểm trường để tới đó chỉ có cách duy nhất là đi bộ, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, đặc biệt là trong những ngày mưa, rét. Tuy vậy, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ” - cô Hà Thị Hợi chia sẻ.

Những chiếc áo ấm, mũ len mang hơi ấm của Thủ đô đã được khoác lên người các em nhỏ

Còn theo thầy Nguyễn Đình Bính - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn, toàn trường có 314 học sinh với 18 lớp, trong đó có 207/314 học sinh thuộc hộ nghèo. Để học sinh đến trường đều đặn, các thầy cô phải quan tâm sát sao tới từng em, em nào nghỉ học, thầy cô phải lặn lội đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân, động viên hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất để các em trở lại lớp.

Đại diện Báo ANTĐ, nhà tài trợ chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thèn Chu Phìn

Cũng theo thầy Nguyễn Đình Bính, do đây là xã sát biên giới, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cả năm chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa nên kinh tế rất eo hẹp. Học sinh đến lớp gần như không đóng góp bất cứ khoản tiền nào, thậm chí các thầy cô còn phải góp tiền mua sách vở, thức ăn cho các em. Để hiểu được học sinh, từng giáo viên phải học thêm tiếng dân tộc. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô giáo mà nhiều năm nay, tại trường hầu như không có trường hợp học sinh bỏ học.

Chia tay đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và Thẩm mỹ viện Hải Duyên cùng với những cái bắt tay rất chặt, ông Thèn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang đã nói lời cảm ơn Báo ANTĐ và nhà tài trợ trao tặng những món quà thiết thực và đầy ý nghĩa tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, đồng thời hi vọng trong những năm tiếp theo, nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác sẽ tiếp tục dành sự quan tâm tới những học sinh nghèo nơi biên giới xa xôi nhằm hỗ trợ, động viên các em vượt qua mọi khó khăn để tới trường.