Mãn nhãn với tiên cảnh ở hồ Nhật Nguyệt

ANTD.VN - Du khách chưa đến hồ Nhật Nguyệt hay còn gọi là Nhật Nguyệt Đàm thuộc Nam Đầu, Đài Trung, Đài Loan (Trung Quốc), chưa thăm Bành Hồ thì coi như chưa đến đảo ngọc Đài Loan.

Nhật Nguyệt Đàm là hồ nước ngọt lớn nhất và cũng là thắng cảnh hồ nổi tiếng nhất Đài Loan (Trung Quốc) và du khách sẽ chẳng phải hối tiếc khi dành trọn một ngày để thưởng thức cảnh đẹp như chốn bồng lai ở nơi đây. 

Mãn nhãn với tiên cảnh ở hồ Nhật Nguyệt ảnh 1Toàn cảnh hồ Nhật Nguyệt với sơn thủy hữu tình

Ngắm hồ từ độ cao 1.000m

Theo người dân Đài Loan kể lại, tương truyền, có tên hồ Nhật Nguyệt là bởi vì nếu đứng từ tháp Từ Ân nhìn xuống, phía Đông hồ có hình tròn như mặt trời, phía Tây lại cong cong hình bán nguyệt.

Tháp Từ Ân có 9 tầng, cao 46m. Đỉnh tháp có cao độ đúng 1.000m so với mặt nước biển. Từ bãi đỗ xe, du khách đi bộ 570m theo đường dốc và bậc thang thì mới lên tới đỉnh, cao khoảng 200m. Tháp Từ Ân được Tưởng Giới Thạch xây dựng để tưởng nhớ công ơn của mẹ ông. Trong tháp có bậc thang xoắn ốc để du khách có thể lên tận đỉnh. Đứng từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể thấy phong cảnh tuyệt đẹp của hồ. Nước xanh, cây xanh, vòng quanh có núi cao bao bọc. Có ngọn cao hơn 2.000m như Thuỷ Xã Đại Sơn (2.059m). Giữa hồ có đảo La Lỗ. Trên đảo có thờ tượng hươu trắng. 

Tương truyền, vùng Nhật Nguyệt Đàm trước kia chỉ có dân tộc Shao (Thao) sinh sống. Trong quá trình săn bắt, họ phát hiện giữa đàn hươu màu vàng có một con hươu màu trắng. Cánh thợ săn đã đuổi theo đàn hươu đến hồ Nhật Nguyệt thì mất dấu. Phát hiện đàn hươu chui vào hang, khi họ đục hang thì phát hiện ra hồ Nhật Nguyệt và đến đây đàn hươu cũng biến mất không còn nữa. Do đó, người Shao cho rằng, đây là linh vật dẫn đường chỉ lối cho họ đến vùng nước bình yên này để an cư lạc nghiệp, vì vậy người dân thờ tượng con hươu trắng ở đảo La Lỗ giữa hồ Nhật Nguyệt. 

Người Shao đã từng có lời nguyền: “Khi cây cao nhất trên đảo rụng hết lá thì đảo cũng không còn dấu chân người”. Bây giờ, bóng người đã vắng trên đảo. Sau động đất, một phần diện tích của đảo đã bị nhấn chìm xuống lòng hồ có độ sâu 27m.

Một trong 10 đường đạp xe đẹp nhất thế giới 

Hoạt động phổ biến nhất giúp du khách khám phá được vẻ đẹp của hồ Nhật Nguyệt chính là đạp xe quanh hồ. Đường đạp xe ở hồ Nhật Nguyệt đã được CNN Travel đánh giá là 1 trong 10 đường đạp xe đẹp nhất thế giới rất đáng để trải nghiệm. Giá thuê xe đạp khoảng 200 Đài tệ (gần 150.000 đồng) cho 2 giờ. 

Ngoài đạp xe, du khách cũng có thể lựa chọn đi cáp treo băng qua hồ để thưởng thức toàn cảnh khu tham quan của hồ Nhật Nguyệt. Tổng diện tích nơi đây rộng đến 4ha, mặt hồ xanh ngắt được bao quanh bởi những dãy núi trập trùng. Đoạn cáp treo này dài 1,8km, đi hết một chặng mất khoảng 30 phút. Giá vé cáp treo khứ hồi vào khoảng 300 Đài tệ. Cáp treo ở đây cũng được sơn ba màu, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, màu vàng tượng trưng cho mặt trăng và màu xanh tượng trưng cho màu nước hồ Nhật Nguyệt. 

Từ hồ Nhật Nguyệt, du khách đi bộ qua khu kế bên là Làng văn hóa Cửu tộc (Formosan Aboriginal Culture Village). Đây là nơi hội tụ đầy đủ tư liệu về văn hóa cũng như hoạt động sinh hoạt truyền thống của 14 dân tộc bản địa tại Đài Loan từ thời cổ xưa. Dọc theo ngôi làng trên con đường mòn là những ngôi nhà xây vách đá hoặc làm từ gỗ vẫn còn được bảo tồn và giữ nguyên theo đúng kiến trúc truyền thống ngày xưa. 

Bắt đầu từ một ga cạnh hồ Nhật Nguyệt, hệ thống xe cáp Ropeway đưa du khách lên hai rặng núi (với ngọn núi có đỉnh cao nhất là 1.044m) trước khi từ từ đi xuống Làng văn hóa Cửu tộc Formosan. Ropeway là một trong những điểm đến mới thú vị nhất Đài Loan. Hành trình 1,88km kéo dài khoảng 7 phút và du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp. Làng văn hóa Cửu tộc Formosan đại diện cho văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của người bản xứ Đài Loan dưới mô hình công viên theo chủ đề.

Ghé chùa Huyền Trang, thăm đền Văn Võ

Sau khi rời tháp Từ Ân, du khách trở ra đường cũ để đi thăm chùa Huyền Trang. Đây là một chùa nhỏ, tên chùa gợi cho du khách nhớ lại truyện Tây Du Ký. Chùa thờ đại sư Huyền Trang tức là Đường Tăng trong truyện Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Tuy nhiên, đây là câu chuyện thật, không phải hư cấu như trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký. Phía trước chùa có tranh vẽ kể lại những địa danh mà đại sư Huyền Trang (đời Đường) đã đi qua ở vùng phía Bắc Ấn Độ để thỉnh kinh chữ Phạn về Trung Quốc. Ông có công dịch 79 bộ kinh gồm 1.335 quyển từ chữ Phạn ra chữ Hán trong 16 năm. 

Sau khi Đường Tam Tạng trở về từ Ấn Độ, nhà vua mới biết đến và mời ông ra làm quan, song đại sư Huyền Trang đã từ chối. Tuy nhiên, vì nể phục tài năng, đức độ của Đường Tam Tạng, vua Đường đã quyết định cấp kinh phí cho Đường Tam Tạng hoạt động truyền bá kinh Phật, cứu khổ cứu nạn. Do đó, Đường Tam Tạng mới được người dân Trung Quốc thờ như một vị thần. Năm 664, ông qua đời.

Trong chùa có thờ tượng của đại sư và những xá lợi của ông cũng như xá lợi của Phật Thích Ca. Năm 1952, khi chiến tranh Trung - Nhật xảy ra, người Nhật đã lấy đi xá lợi của Đường Tam Tạng, mang về Nhật thờ cúng. Phải đến năm 1965, xá lợi của đại sư mới được quy hoàn, tiếp tục thờ cúng ở đây. 

Cuối cùng, du khách nên ghé thăm đền Văn Võ, nơi thờ Quan Công (Võ Miếu) và Đức Khổng Tử (Văn Miếu). Trải qua năm tháng, miếu cũ đã bị hư hại và  miếu hiện nay là công trình mới được xây lại. Đền Văn Võ có 3 tầng, tầng 1 và tầng 2 thờ Quan Công và tầng 3 thờ Khổng Tử. Đi đền ở Đài Loan có lệ vào tay phải, ra tay trái.

Mỗi người đi đền muốn thắp hương cầu khấn điều gì đó thì đốt 2 nén hương. Nén đầu tiên phải mang ra ngoài sân, cắm vào bàn Thiên, mặt nhìn ra hồ, lưng quay vào trong đền, sau đó nén hương còn lại mới mang vào trong đền. Ở Đài Loan, hai vị thần được thờ nhiều nhất là bà Thiên Hậu và Quan Công. Người dân Đài Loan rất thích đi lễ để cầu xin một thứ gì đó trong cuộc sống hay khi có những bế tắc chưa có lời giải cũng tới đền, chùa để tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn.