"Mái nhà xanh di động" giúp cải thiện chất lượng không khí đô thị

ANTD.VN - Nóc xe buýt dường như không phải là vị trí thích hợp cho những “mái nhà xanh”, tuy nhiên, ý tưởng về những “khu vườn di động” đã mang lại lợi ích hơn cả mong đợi về kinh tế và đặc biệt về môi trường. Mới đây, Công ty CWS Living Art, chuyên thiết kế các cấu trúc đô thị “xanh” thân thiện với môi trường đã lắp đặt các “mái nhà xanh di động” trên những chiếc xe buýt công cộng tại Singapore.

Những “khu vườn di động” trong thành phố

"Mái nhà xanh di động" giúp cải thiện chất lượng không khí đô thị ảnh 1“Gardens by the Bay” với những cây siêu khổng lồ ở Singapore

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học bang Michigan, Mỹ, những “mái nhà xanh” rất hữu hiệu trong việc làm mát các tòa nhà, giảm nguy cơ ngập lụt, giảm khí thải gây ô nhiễm và hơn thế nữa là tạo ra không gian gần gũi với thiên nhiên. Con người ngày càng có chiều hướng di cư đến các thành phố, gây sức ép lên các đô thị vốn đã đông đúc, các nhà hoạch định đô thị luôn phải cố gắng sáng tạo, tìm ra các giải pháp để đưa đa dạng sinh học trở lại môi trường dân cư đông đúc.

Dự án biến xe buýt thành những “khu vườn di động” nằm trong nghiên cứu thử nghiệm cây xanh giúp làm giảm nhiệt độ trong xe buýt, từ đó giảm lượng nhiên liệu cung cấp năng lượng cho máy điều hòa. “Trong khi tác động của cây xanh đối với các tòa nhà đã được ghi nhận một cách rõ ràng, thì những nghiên cứu về tác động của cây xanh đối với phương tiện tham gia giao thông lại hầu như không có” - Tan  Chun Liang, nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia cố vấn cho dự án cho biết.

Ông Tan Chun Liang hy vọng nghiên cứu này sẽ thêm minh chứng cho việc có thể sử dụng cây xanh để chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu cũng như Hiệu ứng đảo nhiệt tại các đô thị (UHI). UHI xảy ra khi nhiệt độ tại thành phố cao hơn nhiều so với các vùng nông thôn lân cận, nguyên nhân do nhiệt độ được sinh ra và hấp thu bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông, vật liệu xây dựng…

Dự án “Xe buýt xanh” nằm trong chuỗi sáng kiến xanh ở Singapore như “Green Mark Scheme” với mục đích phủ xanh 80% các tòa nhà vào năm 2030, hay “Gardens by the Bay” - khu vườn thân thiện với môi trường với hơn 1,5 triệu loài thực vật và đặc biệt là những “siêu cây khổng lồ”. Quốc đảo Sư tử đặt mục tiêu trở thành “Thành phố Vườn”, sử dụng không gian xanh để kết nối cộng đồng, làm phong phú đa dạng sinh học và góp phần đáng kể vào việc cải thiện khí hậu. Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Winconsin đã chỉ ra rằng, cây xanh giúp làm giảm nhiệt độ ở các thành phố thông qua lá cây bốc hơi nước cũng như che phủ các bề mặt có thể hấp thụ nhiệt.

"Mái nhà xanh di động" giúp cải thiện chất lượng không khí đô thị ảnh 2Xe buýt xanh trên đường phố Singapore góp phần giảm ô nhiễm không khí

Thành phố xanh: Con người hạnh phúc, khỏe mạnh hơn

Không chỉ lắp mái nhà xanh cho xe buýt, Công ty GWS living Art cũng đã lắp đặt “mái nhà xanh” cho các trạm dừng xe buýt ở Kuala Lumpur, Malaysia. “Sáng kiến này xuất phát từ ý tưởng “Ngôi vườn di dộng” thay thế cây xanh bị mất đi do quá trình phát triển đô thị, đồng thời để phủ xanh các không gian đô thị” - ông Zi Kim thuộc GWS Living Art cho biết.

Nếu mở rộng ra tất cả trạm dừng xe buýt trên toàn thành phố, công ty hy vọng lượng cây xanh có thể giúp làm giảm nhiệt độ, làm sạch không khí xung quanh các trạm xe buýt cũng như hạn chế nguy cơ gây ngập lụt do hấp thụ đáng kể lượng nước mưa. Sáng kiến này cũng sẽ làm đảo ngược sự suy giảm của các loài động vật như ong, bướm, chim chóc… Malaysia là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia, nước này có 785 loài chim, 307 loài động vật có vú và 2.068 loài cá nước ngọt và cá biển.

Singapore và Malaysia không phải là những quốc gia duy nhất tận dụng thiên nhiên để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và gia tăng đa dạng sinh học. Thủ đô Paris của Pháp có kế hoạch “phủ xanh” 100 hecta diện tích các tòa nhà vào năm 2020, còn nước Anh hy vọng sẽ biến Thủ đô London thành Công viên quốc gia đầu tiên trên thế giới với hơn một nửa diện tích của thành phố được phủ xanh vào năm 2050. 

Đầu tư nhiều không gian xanh không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiếp xúc nhiều với cây xanh cũng mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe tinh thần của con người. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 55% dân số sống ở các đô thị, trong khi nhiều nghiên cứu đã cho thấy con người thích sống gần gũi với tự nhiên hơn.

“Đô thị là nơi chúng ta sống, là nơi làm việc và cũng chính là nơi chúng ta chịu các yếu tố gây stress. Do vậy, việc hòa cùng thiên nhiên trong môi trường sống hàng ngày là rất quan trọng” - Kathleeen Wolf, nhà nghiên cứu khoa học xã hội trường Đại học Washingon (Mỹ) từng có điều tra về phản ứng của con người với tự nhiên tại các thành phố cho biết - “Nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng mà ra ngoài trời hoặc thậm chí chỉ nhìn thấy thiên nhiên qua cửa sổ, mức độ căng thẳng của bạn sẽ giảm trong vòng vài phút”. 

“Đô thị là nơi chúng ta sống, là nơi làm việc và cũng chính là nơi chúng ta chịu các yếu tố gây stress. Do vậy, việc hòa cùng thiên nhiên trong môi trường sống hàng ngày là rất quan trọng. Nếu bạn đang trong trạng thái căng thẳng mà ra ngoài trời hoặc thậm chí chỉ nhìn thấy thiên nhiên qua cửa sổ, mức độ căng thẳng của bạn sẽ giảm trong vòng vài phút”. 

Nhà nghiên cứu Kathleeen Wolf (Trường Đại học Washingon, Mỹ)