Lý giải nguyên nhân khiến bạn ăn ít mà vẫn tăng cân

ANTD.VN - Có nhiều nguyên nhân gây tăng cân nằm ngoài khả năng kiểm soát. Bởi vậy, nếu muốn giữ trọng lượng khỏe mạnh, bạn cần hết sức lưu ý đến những nguyên nhân này.

Lý giải nguyên nhân khiến bạn ăn ít mà vẫn tăng cân ảnh 1Một trong những nguyên nhân gây tăng cân có thể do yếu tố tâm lý

Mất cân bằng nội tiết tố

Nếu tuyến thượng thận và buồng trứng sản xuất quá nhiều testosterone, sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể bạn bị phá vỡ, kết quả là bạn sẽ tăng cân, cùng với triệu chứng khó chịu khác như rối loạn kinh nguyệt, mắc các bệnh phụ khoa, xuất hiện mụn trứng cá... Những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng có thể gặp phải nguy cơ tăng cân.

Gặp vấn đề ở tuyến giáp

Tăng cân là một trong những tác dụng phụ của các bệnh lý tuyến giáp. Tuyến giáp chịu trách nhiệm cho sự trao đổi chất, nhiệt độ, quá trình tiết mồ hôi và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Do đó, khi chức năng của tuyến giáp bị suy giảm, nó sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất và khiến bạn gặp khó khăn trong giảm cân. 

Không bổ sung đủ dinh dưỡng

Nếu cơ thể không đủ chất dinh dưỡng, cân nặng có thể tăng lên. Đó là bởi vì khi cơ thể bị thiếu khoáng chất hoặc vitamin nào đó, sự trao đổi chất trong cơ thể cũng chậm lại và bạn cảm thấy như mình đang bị thiếu năng lượng. Kết quả là bạn sẽ ăn nhiều hơn mức cần thiết và cân nặng cũng từ đó tăng lên.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể bạn, như thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc trị tiểu đường... Các loại thuốc này có thể tác động đến nội tiết trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự hấp thụ thức ăn và gây rối loạn trong ăn uống, dẫn đến tăng cân. Nếu bạn nhận thấy trọng lượng đang tăng lên sau khi dùng các loại thuốc này, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra biện pháp điều trị thay thế. Đối với các loại thuốc đặc trị các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, bạn cần uống theo chỉ định của bác sĩ và có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.

Ít vận động

Càng ít vận động, lượng chất béo càng tích tụ trong cơ thể. Hoạt động thể thao không làm giảm cân nhưng giúp ổn định cân nặng. Có thể giảm bớt chất béo nhưng không giảm cân (phần cơ sẽ phát triển, thay thế phần mỡ dư thừa). Vì vậy mỗi ngày nên luyện tập môn thể thao mà bạn yêu thích. Đi bộ nhanh 20-30 phút mỗi ngày là cách tốt nhất cho bạn một thân hình đẹp.

Tuổi tác

Cùng mức tiêu thụ thức ăn mỗi ngày nhưng việc tiêu hao năng lượng khác nhau ở các độ tuổi 20, 35, 50. Độ tuổi 30-54 có 60% nam bị thừa cân trong khi đó ở nữ chỉ 40% và độ tuổi từ 55-74 có 73% nam giới bị thừa cân, trong khi nữ giới là 58%.

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với béo phì. Gia đình có người bị béo phì thì nguy cơ béo phì cho những thành viên khác là rất cao. Một gia đình có nhiều thành viên bị béo phì còn liên quan đến chế độ ăn uống chung của toàn gia đình.

Vấn đề hormone

Phụ nữ trong thời kỳ hoạt động tình dục, béo phì một phần do hormone. Đặc biệt trước và trong thời kỳ mãn kinh, dáng vẻ thay đổi do sự giảm hormone  estrogen. Nhưng đôi khi tăng cân do rối loạn tâm sinh lý đặc biệt stress, buồn chán… và ăn uống là cách để khỏa lấp.

Stress, trầm cảm

Một trong những nguyên nhân gây tăng cân có thể do yếu tố tâm lý. Ăn như là cách để khỏi suy nghĩ, để giấu đi những lo âu buồn phiền. Vì vậy trong cuộc sống đứng trước các vấn đề khó khăn, cần xác định đâu là nguyên nhân, thêm vào đó bạn hãy tham gia các hoạt động thể thao, yoga, đi bộ, khiêu vũ…

Tế bào mỡ

Đây chính là thủ phạm gây thừa cân, béo phì. Theo các nhà khoa học, thói quen hàng ngày như ăn quá nhiều chất béo, ngọt, thức ăn nhanh, ít vận động… nguồn năng lượng dư thừa được tích lũy dưới dạng tế bào mỡ. Ăn nhiều, ăn vặt, ăn lúc chưa đói… đã làm tăng lượng tế bào mỡ. Vì vậy hãy lắng nghe chính cơ thể mình. Nên biết dừng lại khi nhu cầu đã đầy đủ.

Bỏ thuốc lá

Ở những phụ nữ, tăng cân là điều gây phiền toái nhất khi họ bỏ thuốc lá. Khoảng hơn 30% người bỏ thuốc lá tăng 3-4kg. Khi hút thuốc, dưới tác dụng nicotin cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn. Vì vậy để bỏ thuốc lá hãy thử các biện pháp khác có thể thay thế nicotin như châm cứu, thôi miên, thảo dược…