Lướt mạng thế nào cho văn hóa?

ANTD.VN - Đề tài vẫn luôn nóng là ảnh hưởng của mạng xã hội đến thói quen, lối sống của học sinh lại được làm nóng với học sinh Hà Nội ngay những ngày đầu năm học.

“Một like, một chia sẻ thông tin, hay một vài lời bình, đối với một người có thể đó là sự thỏa tò mò, thú vui trên mạng, nhưng thực tế, từ những cú click chuột ấy đã có thể trở thành một cơn bão mạng đầy nguy hiểm, thậm chí là cướp đi tính mạng của người khác như vụ nữ sinh lớp 12 ở Thạch Thất cách đây vài năm đã tự tử vì bị ghép ảnh mặt của mình vào thân hình hở hang của một cô gái khác;

Hoặc rất nhiều mâu thuẫn, dẫn đến cãi, đánh nhau trong học sinh đều có nguồn gốc từ việc lăng mạ, thách đố nhau trên mạng xã hội. Thế nhưng đáng buồn là, những "anh hùng bàn phím” vô trách nhiệm với hành động của mình vẫn rất nhiều” – đây là những chia sẻ của học sinh trường THPT Phan Huy Chú- Đống Đa (Hà Nội) sáng 16-9 trong buổi hoạt động ngoại khóa chủ đề “Lời đẹp - Sống sâu - Giàu nhân ái”.

Thông tin học sinh được cung cấp trong buổi sinh hoạt này cho thấy, chỉ tính riêng Facebook, Việt Nam có trên 58 triệu người dùng. Chưa kể đến các mạng xã hội khác như Youtube, Instagram…

Do vậy, mỗi một tin đồn sai được lan truyền, có thể thiệt hại hàng chục tỉ cho một doanh nghiệp, hàng trăm tỉ cho một ngành nghề, thiệt hại đến sinh mạng, đến sức khỏe, đến cuộc sống của nhiều người, và cả uy tín của tổ chức… Việc một comment thiếu suy nghĩ trên Confession, trên Facebook, Instagram… có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh nhà trường, các mối quan hệ bạn bè…

Học sinh được dẫn chứng bằng câu chuyện kể về một con chó được chủ cho ở nhà trông con trai nhỏ của mình. Khi trở về, anh nhìn thấy con chó miệng đầy máu, con trai nhỏ không thấy đâu. Nghĩ rằng chó đã ăn thịt con trai, anh rút súng bắn chết chó.

Nhưng bước sâu vào nhà, anh mới thấy xác một con chó sói nằm đó, còn con trai run rẩy núp dưới gầm bàn. Con chó trung thành đã chết oan trong khi bảo vệ đứa con trai nhỏ của anh. Ở đời, có những chuyện mắt thấy còn chưa phải là sự thật, huống chi là truyền miệng, là nghe phong thanh.

Thông điệp câu chuyện muốn gửi tới giới trẻ là khi ta tiếp nhận một thông tin, điều cần làm không phải là tin ngay, mà bình tĩnh, suy xét và cảm nhận bằng lý trí, thậm chí bằng cả trái tim.

Bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy chú- Đống Đa cho biết, chủ đề “Lời đẹp - Sống sâu - Giàu nhân ái” là điều mà các thầy cô mong muốn mỗi học sinh nói chung hãy trách nhiệm hơn với một nút like, một chia sẻ thông tin, hay một lời bình của mình.

Thay vì tin vào những điều xấu xa, thất thiệt, mỗi người hãy chia sẻ nhiều hơn những điều tốt đẹp, hãy đưa ra những lời bình tích cực, mang tính xây dựng, yêu thương để cuộc sống mỗi ngày thêm tươi đẹp và ý nghĩa.

Cũng trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, học sinh được tìm hiểu về Luật An ninh mạng gồm 7 chương 43 điều có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 với quy định những hành vi sau bị cấm trên không gian mạng Việt Nam gồm:

Nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Học sinh được lồng ghép kiến thức pháp luật kèm theo sinh hoạt văn nghệ và thảo luận về chủ để mạng xã hội

Nghiêm cấm đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

Nghiêm cấm đăng tải các Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Nghiêm cấm hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

Nghiêm cấm tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.