Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội 'giật' hàng chục tính mạng người dân khỏi 'tử thần'

ANTD.VN - “Để cứu nạn hiệu quả và nhanh chóng nhất, nhiệm vụ đầu tiên đối với từng cán bộ chiến sỹ là phải có sức khỏe, liên tục trau dồi, rèn luyện kỹ thuật, kỹ năng bài bản, chính xác; để mỗi khi “lâm trận” sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm, chạy đua với thời gian giành sự sống cho người bị nạn”- chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) CATP Hà Nội tâm sự.

Những tháng đầu năm 2019, cùng với nỗ lực và kết quả phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại tài sản do hỏa hoạn gây nên, lực lượng CS PCCC và CNCH - CATP Hà Nội còn kịp thời hướng dẫn, giải cứu hàng chục trường hợp người dân bị mắc kẹt trong đám cháy.

 “Thao trường đổ mồ hôi”

Yêu cầu xuất phát từ thực tế đặt ra trong công tác CNCH, đó là đòi hỏi phải có sự xác định, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra các sự cố, tai nạn.

Lực lượng CNCH - CAQ Hoàn Kiếm cứu nạn, hướng dẫn thoát nạn 42 người mắc kẹt trong đám cháy tại khách sạn A25 phố Lương Ngọc Quyến

 Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, ngoài những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể công tác PCCC, thì khối lượng của mảng việc CNCH cũng không hề nhỏ. Nào là sự cố tai nạn cháy, nổ; nào là sập, đổ nhà, công trình, máy móc, cây cối; rồi tai nạn sạt lở đất, đá; tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà, trên cao, dưới sâu, trong hang, hầm, công trình ngầm; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu; tai nạn đuối nước...

Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ động xây dựng, tham mưu các kế hoạch đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức ứng trực 24/24h để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin về các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH theo quy định.

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, việc tổ chức CNCH ở hiện trường các sự cố, tai nạn thường có diễn biến phức tạp, khó lường; lực lượng chức năng thường phải thực hiện trong thời gian dài, thậm chí có nguy cơ xảy ra với chính nhân viên cứu nạn, do đó đòi hỏi cán bộ chiến sỹ phải có thể lực tốt, tinh thông nghiệp vụ, triển khai lực lượng, phương tiện nhuần nhuyễn nhằm đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho việc cứu người, tài sản và khắc phục những sự cố xảy ra.

Muốn làm tốt những yêu cầu, nhiệm vụ công tác CNCH, điều quan trọng nhất là ý thức, ý chí, và sự rèn luyện; phải xác định rõ “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Chính vì vậy, để nâng cao trách nhiệm, kỹ năng, khả năng sẵn sàng chiến đấu, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn có những đợt thi, kiểm tra nghiệp vụ để qua đó mỗi CBCS làm công tác CNCH nói riêng có sự rèn luyện thường xuyên và chia sẻ, tích lỹ kinh nghiệm từ thực tiễn.

Lực lượng CNCH - CAQ Ba Đình tiếp cận cứu 6 người mắc kẹt trong đám cháy

 Cứu người là trên hết

Ngoài việc kịp thời xử lý sự cố hỏa hoạn, ngăn cháy lan của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, trong những tháng đầu năm 2019, Công an Hà Nội đã tổ chức cứu hàng chục người thoát nạn an toàn.

Trong những tình huống cụ thể, đều toát lên tinh thần "cứu người là trên hết". Đơn cử như vụ hỏa hoạn xảy ra  khoảng 4h ngày 17-6, tại khách sạn A25 ở phố Lương Ngọc Quyến, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Thời điểm xảy cháy ở khách sạn giữa khu phố cổ này, đang có hàng chục khách trọ mắc kẹt, tâm lý hết sức hoảng loạn.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm đã nhanh chóng có mặt, triển khai đội hình cứu nạn, chữa cháy. Trước diễn biến phức tạp của vụ cháy, CAQ Hoàn Kiếm đã đề nghị chi viện từ Công an các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình và Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, giữa biển lửa, đồng loạt công tác chữa cháy, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được lực lượng chức năng triển khai. Và lần lượt, an toàn, 42 người đã được các mũi cứu hộ hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn thành công.

Thành công của việc triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy về sau đó đã được đồng chí Giám đốc Công an thành phố nhận định trong bức Thư khen các đơn vị tham gia công tác cứu người, chữa cháy: "Đây là chiến công xuất sắc, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, vì an ninh, an toàn và cuộc sống bình yên của nhân dân; khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị trong triển khai công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao".

Hai ngày sau đó, rạng sáng 19-6, tại địa chỉ ngôi nhà trong ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, cũng đã xảy ra hỏa hoạn với thông tin cực kỳ ái ngại: 6 người trong gia đình đang mắc kẹt trong khói lửa, bị đe dọa đến tính mạng. Do ngôi nhà chứa nhiều chất cháy, ngọn lửa cháy lan nhanh và có nguy cơ cháy lan sang nhà lân cận.

Tiếp cận hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH buộc phải chọn giải pháp trang bị kỹ phương tiện, dụng cụ chống nhiệt, lửa, rồi băng qua bức "tường lửa" để cứu người. Một phụ nữ kiệt sức đang tựa lưng vào bức tường phía trong bếp đã được phát hiện đầu tiên, đưa ra ngoài an toàn. Cùng thời điểm đó, phía ngoài mái tôn, ban công, mũi công khác đã tiếp cận, cắt khung thép phá cửa kính, cứu 5 người đang hoảng loạn trong căn phòng ở tầng 2, khi ngọn lửa bắt đầu ập vào cửa. 

Người dân chia sẻ vất vả khó khăn với CBCS sau khi CNCH chữa cháy thành công tại vụ cháy nhà ở ngõ Lương Sở C, quận Đống Đa

Thành công như một "kỳ tích" trong công tác cứu hộ, cứu nạn, được ghi nhận trong vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 6h10 ngày 11-4-2019, tại ngôi nhà cao 5 tầng trong ngõ 65 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Ngọn lửa bùng phát dữ dội bao trùm khiến 9 người bên trong hoảng loạn, bất lực. Những người chứng kiến khi ấy đã nghĩ đến những điều bất hạnh nhất!

Rất may, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hai Bà Trưng đã nhanh chóng có mặt, cùng người dân xung quanh vừa xách, phun nước dập lửa, vừa "mở đường máu" cứu nạn, hướng dẫn tất cả các thành viên thoát khỏi vùng nguy hiểm. Trong số đó, có nhiều con trẻ mới chỉ từ 1 đến 8 tuổi. Những người lính chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn "trận đánh" hôm ấy nhớ lại, nếu chỉ chậm vài tích tắc, khi khói lan phủ lên các phòng, tầng, thì tính mạng của nhiều thành viên trong gia đình chắc chắn bị đe dọa. 

Sau mỗi thành công của công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, người lính CS PCCC&CNCH thường không "ăn mừng" quá lâu. Điều quan trọng với các anh, là sự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm; để sẵn sàng cho những "trận đánh" phía trước, sẵn sàng vì sự bình yên, an toàn của nhân dân.