Lòng trắc ẩn bị lợi dụng

ANTĐ - Thằng bé cỡ mười lăm tuổi, ánh mắt tội đồ trên khuôn mặt sầu khổ, áo quần nhàu nhĩ, im lặng quì như một bức tượng hành lễ, chỉ khác không phải là trong giáo đường, mà là… trên đường. 

Hình ảnh ấy đập vào mắt tôi mỗi chiều, nhìn mãi đâm quen. Quen như hình ảnh những đứa trẻ giả vờ đói khát, những bà cụ giả vờ neo đơn, những thanh niên giả vờ tàn phế… để đi xin ăn. Trước kia tôi cũng hay cho tiền người ăn xin. Nhưng từ khi biết được, tất cả những người ăn xin nơi thành phố đều có người “chăn”, và tiền ăn xin mỗi ngày phải nộp về cho những kẻ “kinh doanh lòng trắc ẩn”, thì tôi đành phải ngoảnh mặt đi trước những bàn tay chìa ra, mặc dù đêm về lại áy náy không biết người ăn xin mình gặp chiều nay là thật hay giả.

Phải công nhận là người Việt mình giàu lòng trắc ẩn. Đường phố  nơi thằng bé quì là đường một chiều, xe lao vèo vèo như lũ xiết, ấy thế mà thi thoảng vẫn có những người dừng xe, thậm chí quay đầu xe (chấp nhận ngược chiều, rất có thể bị phạt) để móc túi thả những đồng bạc lẻ vào chiếc ca sắt trên tay thằng bé. Tôi không nghi ngờ gì về lòng tốt của các bà các chị, bởi tôi luôn tin lòng thiện vẫn ăm ắp trong thiên hạ. 

Sau bữa cơm bụi mỗi tối, tôi quay về thì phố đã lên đèn, thằng bé đã rời mặt đường lui vào gốc xà cừ góc phố đếm tiền. Không biết mỗi ngày nó kiếm được bao nhiêu, nhưng chắc chắn số tiền ấy không nhỏ. Cứ nhìn gương mặt tươi rói của nó là đủ biết. Và sau đó, thằng bé miệng huýt sáo, đầu nghênh nghênh bước vào một quán ăn gần đó gọi món ăn uống phủ phê. Chuyện hành xác, bán thân để kiếm miếng ăn đã thành chuyện cũ. Tôi vẫn tin con người có số mệnh. Và mệnh thằng bé kia là mệnh giời đày phải dùng “khổ nhục kế” sinh nhai, thế nên hàng ngày tôi vẫn bước qua chỗ nó quì một cách thản nhiên. 

Vậy mà chiều ấy tôi đã ngạc nhiên. Vây quanh chỗ thằng bé quì là một nhóm 6 người ngoại quốc. Bằng vốn tiếng Anh “đi chợ” của mình, tôi lõm bõm nghe được họ đang tranh luận với nhau. Một phe 3 bà thì luôn miệng cảm thán cho thằng bé và khăng khăng muốn cho tiền, còn một phe 3 ông thì nhún vai xòe tay cười giễu cợt. Khi những đồng tiền lẻ bay phấp phới vào chiếc ca sắt của thằng bé cũng là lúc những ánh đèn “flash” từ máy ảnh của các ông Tây chớp sáng…

Mới đây vào Đà Nẵng, trong khi đi dạo bãi biển Mỹ Khê tôi vô cùng ngạc nhiên khi bắt gặp những tấm biển “Thành phố Đà Nẵng nói không với nạn ăn xin, chèo kéo khách”. Anh bạn đi cùng tôi bình luận: “Nói không với nạn chèo kéo khách thì được, nhưng nói không với ăn xin… thấy cứ bất nhẫn thế nào ấy. Không nên vô cảm với những cảnh đời lang thang cơ nhỡ”. Tôi phản biện: “Đà Nẵng làm thế cũng có cái lí của họ. Một thành phố văn minh không thể có những hình ảnh nhếch nhác. Cấm ăn xin trên phố không có nghĩa là lạnh lùng vô cảm, mà ngược lại tôi thấy người Đà Nẵng rất nhân ái, rất thân thiện…”.

Để củng cố lập luận tôi đã dẫn những bài báo phát hiện những tập đoàn sư giả ở thành phố Hồ Chí Minh, làng sư giả ở Bắc Ninh, rồi đường dây chăn người già ăn xin và trẻ bán hàng tại Hà Nội… Và cuối cùng tôi phải mang cả chuyện thằng bé quì ra làm bằng chứng. Anh bạn tôi, một nhà văn đa cảm thì nghiêng về quan điểm cứ để cho ăn xin tồn tại, vì ngoài những người ăn xin giả ra thì vẫn còn nhiều người ăn xin thật. Anh đã viện dẫn cả tục ngữ ca dao của cha ông để nói về tính tương thân tương ái đồng bào bằng một thứ giọng thiết tha như rút từ trong ruột đến nỗi tôi đã bị thuyết phục, im lặng chịu thua. Thua nhưng vẫn thấy ấm ức vì một cái gì đó rất mơ hồ. 

Sẽ không có bài viết này nếu tối nay tôi không tình cờ bắt gặp một loạt ảnh trên một website nước ngoài, đọc những lời bình bức ảnh ấy trong tôi dâng ứ một thứ cảm giác pha trộn của buồn, thương, xấu hổ… Tôi gửi đường link trang ảnh cho bạn tôi và gọi điện: “Ông vào xem đi!” Mươi phút sau bạn tôi gọi lại, giọng buồn rười rượi: Ừ… Ông và thành phố Đà Nẵng có lí”.