Lời "xin lỗi" là của hiếm

ANTD.VN - Người lớn thường dạy trẻ con “học ăn, học nói, học gói, học mở”, nhưng nhiều khi, tôi thấy chính người lớn lại quên điều sơ đẳng đó, ông ạ!

- “Suy bụng ta ra bụng người”, bản thân tôi nói năng cũng quen giọng xách mé, trịch thượng với vợ con.

- Ông cha ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy thế mà dạo này tôi thấy ngoài đường, nơi công cộng người ta ăn mặc cực kỳ sang trọng, đi xe xịn nhưng toàn “thở” ra những câu cục cằn, thô lỗ rất chối tai.

- Ông không thấy chính những câu ấy đã châm ngòi cho thói hung hăng, hung bạo thay cho “võ mồm” ư?

- Đúng thật, lâu lắm rồi tai tôi không được nghe hai câu “xin lỗi”, “cảm ơn”.

- Thì tôi cũng cứ tưởng lời “xin lỗi” đã trở thành quý hiếm, một thứ văn hóa ứng xử… xa xỉ, vậy mà hôm nọ có dịp ghé thăm Huế, qua cầu Tràng Tiền, tôi bắt gặp tấm băng rôn với dòng chữ “Xin lỗi, chúng tôi đã làm phiền bạn”.

- Lạ thật, tại sao lại có lời xin lỗi hiếm hoi thế, hả ông?

- Thì ra lời xin lỗi ấy chắn ngang ở hai đầu một đoạn đường, ở đó có một đội công nhân đang thi công đường dây điện.

- Chả bù cho bao công trình ngổn ngang, bao lô cốt mọc lên la liệt mà chỉ đập vào mắt người dân câu “Cấm đi lối này” hoặc “Công trình đang thi công”.

- Tôi ước gì lời xin lỗi như thế ở mọi nơi, mọi chỗ, là câu cửa miệng của mọi người ngoài ngã tư, tàu xe, chợ búa, thì chắc chắn xã hội sẽ bình yên hơn, người với người tử tế hơn.