Lời ru buồn ở những bản làng: Lên chức bà ngoại khi mới 26 tuổi

ANTD.VN - Làm vợ, làm mẹ khi chưa đến 18 tuổi là điều khá phổ biến ở những bản làng heo hút. Và nạn tảo hôn xảy ra ngày càng nhiều đối với các học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì lẽ đó, những em gái ở tuổi 12 đến 13 tuổi đã làm vợ, làm mẹ khiến cho sự nghiệp học hành và những giấc mơ dang dở...

Lời ru buồn ở những bản làng: Lên chức bà ngoại khi mới 26 tuổi ảnh 1

Cử I Rùa trong quán tạp hóa nhỏ của mình

Những giấc mơ dang dở vì tảo hôn

Làm vợ, làm mẹ khi mới 12 tuổi, 13 tuổi đã cướp đi của các em những giấc mơ về tương lai. Không chỉ những em vì hoàn cảnh gia đình mà thất học, mà những em đang ngồi trên ghế nhà trường cũng không thoát khỏi nạn tảo hôn.

Bởi vậy mới có chuyện, ở Đại hội chi đội đầu năm, nhiều giáo viên còn yêu cầu học sinh phải “thề”: “Không cưới chồng sau khi học hết lớp 12” nhưng đa phần học sinh đều không dám hứa. Hoặc có trường hợp “thề” nhưng chỉ dừng lại việc “không lấy chồng sau khi học xong lớp 9”.

Em Cử I Rùa ở bản Ngã Ba, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết: Gia đình có 6 chị em gái, em là con út và là người lấy chồng muộn nhất dù năm nay chỉ mới 15 tuổi. Trong số các chị em, Rùa cũng là người khá may mắn, vì lấy chồng xong em không phải ở nhà, đi rẫy mà được gia đình hai bên tạo điều kiện mở một cửa hàng nhỏ bán tạp hóa và đang chờ đứa con đầu lòng ra đời. Rùa cũng đã từng có mơ ước được đi học để lo cho tương lai của mình nhưng khi lấy chồng xong ý định đó đã không còn.

Cũng giống như Rùa, em Lỳ I Dở, học sinh lớp 12K, Trường THPT Kỳ Sơn 1 là học sinh khá của lớp, nhiều năm liên tục đều đạt học sinh tiên tiến. Gương mặt khả ái, Lỳ I Dở cũng từng có ước mơ sẽ thi vào khoa mầm non về làm cô giáo nếu như hè lớp 11 Dở không bất ngờ lấy chồng.

“Chúng em yêu nhau được một năm là gia đình hai bên đã bảo cưới. Em cũng thấy đã đến tuổi vì nơi em ở con gái ai cũng lấy chồng sớm”, Dở trải lòng. Chồng của Dở cũng là người cùng xã, năm nay đang học năm cuối ở Đại học Y Khoa Hà Nội. Lấy chồng xong, do gia đình có điều kiện nên Dở được tạo điều kiện để tiếp tục ra thị trấn, thuê nhà học xong cấp III.

Với lực học khá, chồng cũng khuyến khích để Dở học lên để có bằng đại học, cao đẳng, nhưng Dở đã tâm sự: “Em không học lên nữa đâu. Học xong cấp III, em sẽ về quê, sinh con cho chồng vì em không còn trẻ nữa”. Ngoài Rùa và Dở ở những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền tây Nghệ An còn rất nhiều những em gái dang dở chuyện học hành vì lấy chồng sớm.

Chưa đến tuổi kết hôn nên những đám cưới của các cô dâu, chú rể trẻ con này đều được tổ chức chui. Con cái sinh ra chỉ đến khi đi học mới được làm giấy khai sinh. Ông Và Chá Xà, Phó Chủ tịch xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ cặp kết hôn sớm ở xã Mường Lống chiếm khoảng 5% - 10% và độ tuổi kết hôn thường rất sớm. Hầu hết cuộc sống của những gia đình trẻ này lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình”.

26 tuổi Hờ Y Xùa đã lên chức bà ngoại

Bà ngoại ở tuổi 26

Lấy chồng từ năm 13 tuổi, sinh con ngay sau đó nên những người vợ, người mẹ này già hơn tuổi thực của mình rất nhiều. Từ việc lấy chồng khi còn ít tuổi, nên ở đây có những trường hợp làm bà ngoại khi mới 26 tuổi.

Một trong số đó là Hờ Y Xùa (SN 1988) trú ở bản Phà Bún, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. 28 tuổi, Xùa trông già dặn với khuôn mặt đầy nếp nhăn và nám đen. 13 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của người thiếu nữ Mông, trong một lần đi chợ biên ở xã Nậm Cắn, Xùa gặp Lầu Tông Chùa (bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn). Xùa và Chùa nhanh chóng đem lòng thương nhau.

Sau một thời gian qua lại, Chùa sang bắt Xùa về làm vợ. Gia đình Xùa đồng ý, đám cưới tưng bừng được tổ chức. Về ở với chồng đầu năm thì cuối năm đó Xùa sinh con gái. So với chúng bạn, chồng Xùa là người khá thương vợ, con nên cuộc sống cũng dễ chịu phần nào. Hàng ngày vợ chồng Xùa lên nương rẫy, trỉa ngô trồng lúa, nuôi con.

Những năm sau đó, đứa thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời. Gánh nặng kinh tế của gia đình đông miệng ăn cũng bắt đầu đè lên đôi vai hai vợ chồng trẻ. Năm 2014, con gái đầu lòng của Xùa tròn 13 tuổi. Cũng giống với mẹ, con gái Xùa đi chợ biên Nậm Cắn rồi thương một chàng trai bên đó.

Những bé gái ở các bản làng vùng cao dang dở việc học hành và tương lai vì nạn tảo hôn

Khi con gái bị người ta bắt về làm vợ, người làm bố mẹ như Xùa cũng đành đồng ý cho con đôi trẻ nên vợ, nên chồng. Và rất nhanh sau đó, con gái Xùa có bầu sinh con và Xùa trở thành bà ngoại ở tuổi 26. Trước đó, khi sinh đứa con thứ ba, Xùa và chồng ăn ở với nhau không hợp, nảy sinh mâu thuẫn nên Xùa đưa ba con về nhà mẹ đẻ tại bản Phà Bún sinh sống.

Từ đó, một mình Xùa làm lụng để nuôi các con. Có lẽ sự vất vả, từng trải khiến một người phụ nữ như Xùa sớm già hơn tuổi thực của mình. Dù vậy, những cô gái rơi vào hoàn cảnh như Xùa ở đây là không ít nên họ cảm thấy điều đó là rất bình thường.

Xùa cho biết: “Dân ở đây, lấy chồng sớm nên làm bà ngoại cũng sớm. Ở trong bản này có mấy trường hợp như mình nên thấy bình thường lắm. Thấy thương nhau thì về ở với nhau rồi có con cái thôi. Đến lúc con gái mình có người thương thì cũng phải cho cưới chứ không thì nó ế, ai dám lấy nó làm vợ nữa”.

Dù biết để con gái lấy chồng sớm thì sẽ khổ nhưng những người làm cha, làm mẹ lại không dám ngăn cản. Bởi một phần do hủ tục nếu khi nhà trai qua bắt vợ mà nhà gái phản đối thì sẽ bị “kiện” và bồi thường một số tiền khá lớn. Không những vậy, có những trường hợp đôi trẻ đòi cưới mà bố mẹ không cho thì sẽ tìm đến cái chết bằng lá ngón.

Những cuộc hôn nhân “trẻ con” cứ kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và cứ vậy, “trẻ con” lại đẻ ra “trẻ con” khiến cho cuộc sống của người dân ở đây như cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu kéo theo nhiều hệ lụy khác.