Lời cảnh báo không thừa

ANTD.VN - Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội đã thừa nhận trách nhiệm về sai sót trong đề khảo sát môn Toán, Hóa thi THPT quốc gia và cam kết sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc. 

Vị này lý giải sai sót là trách nhiệm của Ban ra đề thi và do lỗi kỹ thuật. Dự kiến, sau khi kết thúc kỳ thi khảo sát, Sở GD-ĐT sẽ xin ý kiến lãnh đạo để hướng dẫn giải quyết những sai sót này để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Kỳ thi thử THPT quốc gia của Hà Nội vừa diễn ra, việc tổ chức coi thi, chấm thi bảo đảm nghiêm túc, theo đúng quy chế kỳ thi. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định không bắt buộc phải lấy điểm kết quả khảo sát. Kết quả này sẽ có phân tích đánh giá gửi về các trường. Từ đó, so sánh các trường trong cụm, so sánh các lớp trong trường để thêm kênh thông tin giúp các trường, cha mẹ học sinh, nhất là thầy cô giáo thấy được chất lượng giảng dạy của mình. 

Mặc dù những sai sót đề thi khảo sát vừa qua được coi là lỗi kỹ thuật, song thí sinh, phụ huynh và dư luận xã hội không khỏi băn khoăn lo ngại. Bởi đề thi THPT quốc gia có tới 24 mã đề với số lượng câu hỏi rất nhiều. Trong quá trình đảo mã đề không thể tránh khỏi xảy ra những sai sót nhỏ kể cả lỗi chính tả, song “sai một ly đi một dặm” vẫn ảnh hưởng tới chất lượng thi, không phản ánh đúng năng lực học sinh. Trong khi đó, áp lực kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 là rất lớn cả về quy mô lẫn tính cạnh tranh khốc liệt. 

Đây là kỳ thi có 2 mục đích vừa tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng. Đối tượng dự thi cũng mở rộng không chỉ cho học sinh đang học lớp 12, học sinh đã tốt nghiệp mà cả thí sinh tự do. Áp lực lớn nhất chính là khâu ra đề thi, tổ chức thi, coi thi. Vì vậy cuộc thi khảo sát học sinh lớp 12 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức là cơ hội để học sinh cũng như giáo viên được cọ xát với những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.

Những sai sót dù là lỗi kỹ thuật chứ không phải do lỗi chuyên môn cũng có thể tái diễn. Rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhận trách nhiệm là điều hết sức cần thiết, Tuy nhiên, dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi: nếu như cuộc thi vừa qua không phải là thi thử, khảo sát mà là thi chính thức thì hệ lụy và hậu quả sẽ ra sao? 

Thực tế cho thấy, có những sai sót khi đã xảy ra dù lớn hay nhỏ dẫu có nhận trách nhiệm hay rút kinh nghiệm thì đã quá muộn, nhất là trong một kỳ thi quốc gia ảnh hưởng tới “vận mệnh” của hàng chục nghìn thí sinh cũng như phụ huynh. Lời cảnh báo này hoàn toàn không thừa, đòi hỏi trách nhiệm của ngành giáo dục cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, cao đẳng trước nhiều thách thức và áp lực.