Loay hoay khắc phục tồn tại cũ trong năm học mới

ANTD.VN - Nhiều yếu kém, bất cập được lãnh đạo ngành giáo dục nêu ra ngay trước thềm năm học mới.

Bộ GD-ĐT thừa nhận yếu kém về việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường

Bộ GD-ĐT thừa nhận trong năm học vừa qua, từng bậc học đều còn những yếu kém riêng; vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phát triển dàn trải, chưa có sự phân loại theo chất lượng. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương chưa được giải quyết; đề án ngoại ngữ triển khai 10 năm chưa đem lại hiệu quả cao.

Sửa đổi đề án ngoại ngữ 2020

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT thừa nhận, một trong những điểm yếu của ngành giáo dục là chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả, dẫn đến nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. 

Được biết, theo Đề án ngoại ngữ 2020, trong năm qua, số học sinh phổ thông học theo chương trình “tiếng Anh 10 năm” là 4.918.488 em. Trong đó, số học sinh THPT là 99.855/2.477.175 em (chiếm 4,03%), số học sinh THCS là 1.815.144/5.235.524 em (chiếm 34,7%), số học sinh tiểu học (lớp 3, 4, 5) là 2.175.517/4.670.935 em (chiếm 46,7%). Bộ GD-ĐT nhận định, việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT xác định 4 giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo trong năm học 2017 - 2018. Trước hết, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025 (sửa đổi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020).

Tiếp theo, Bộ sẽ hoàn thiện các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, ưu tiên các định dạng hỗ trợ thi trên máy tính và thi trực tuyến; từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng đề thi ngoại ngữ quốc gia... Bên cạnh đó, Bộ sẽ đa dạng hóa các chương trình, sách giáo khoa, học liệu và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học tập ngoại ngữ của học sinh, sinh viên...

Khắc phục 5 bất cập ngành giáo dục

Bước vào năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 5 bất cập chính của ngành giáo dục. Đó là vẫn còn nhiều phong trào, cuộc thi không vì học sinh. Ngành thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông nhưng Chương trình giáo dục tổng thể được ban hành chậm; tinh thần, nhận thức về đổi mới cũng triển khai chậm. Ngành giáo dục vẫn chưa chú ý toàn diện đến việc dạy người; còn nhiều tiêu cực, tệ nạn, bạo lực học đường... 

 Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm học tới, ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến dạy người, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể dạy cho học sinh từ những điều nhỏ, những điều bình thường trong cuộc sống, bắt đầu từ việc dọn vệ sinh trường, lớp để học sinh biết yêu lao động, trân trọng người lao động; giáo dục học sinh thành người tốt, có trí tuệ và yêu nước... 

Cũng trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, những nhiệm vụ được Bộ xác định ưu tiên tập trung thực hiện ngay trong năm học 2017-2018 là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước. Các địa phương sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. 

Đối với khu vực đô thị, việc quy hoạch trường, lớp được thực hiện theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; sắp xếp các điểm trường, lớp hợp lý ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là cấp mầm non và tiểu học.