Loại bỏ bạo lực gia đình, quan trọng là nạn nhân cần lên tiếng

ANTD.VN - Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là với phụ nữ, trẻ em. Đây cũng là tình trạng gây nhức nhối cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Do vậy, Liên hợp quốc lấy ngày 25-11 hàng năm làm Ngày Quốc tế Phòng, chống bạo lực gia đình.

Những vụ việc đau lòng

Hưởng ứng ngày này, nhiều địa phương trên lãnh thổ Việt Nam đã tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ. Tuy vậy, hiện bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở mọi địa phương, vượt qua ranh giới về văn hóa, thu nhập, tuổi tác, địa vị xã hội... 

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện một clip khoảng 10 phút ghi lại cảnh một người đàn ông ở TP Đà Nẵng tay cầm dao cứa vào cổ vợ ngay trước sự chứng kiến của con nhỏ, khiến người phụ nữ này ngất xỉu. 

Còn tại Hà Nội, đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai - TP Hà Nội đã bắt giam Nguyễn Văn Thành, 25 tuổi, để điều tra về tội “Giết người”. Thành là nghi phạm đã tạt xăng, đốt vợ là chị N.T.D (22 tuổi), khiến nạn nhân bị thương nặng. Theo thông tin từ CQĐT, Thành và chị D đã kết hôn được 6 năm, có hai con chung nhưng thường xảy ra va chạm. T thường lấy tiền trong nhà đi chơi bời, chị D phản ứng thì bị T đánh đập. Khi chị D quyết định chia tay, T níu kéo không được nên đã hất xăng vào mặt vợ rồi châm lửa. Hậu quả là chị D bị bỏng nặng, mặt mũi, chân tay biến dạng, dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng không có tiến triển đáng kể.

Trước đó, tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chị K.T.T bị chính người chồng của mình là N.T.T dùng dao chém tới tấp đến nỗi phải nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Lý do chỉ vì không chịu được tính vũ phu của chồng, chị T làm đơn ly hôn. Thuyết phục vợ quay về không có kết quả, N.T.T đã dùng dao truy sát vợ.

Không chỉ bị bạo hành về thể xác, nhiều chị em còn bị hành hạ về tinh thần. Thời gian qua, đã có không ít nạn nhân của bạo hành gia đình tìm đến Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tìm sự trợ giúp khi buộc phải trốn chạy khỏi tổ ấm. Có những chị đến đây trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ tột cùng. Theo lời kể của họ, dù không bị đánh đập nhưng họ bị chính những người chồng  “bỏ tù”, bị kiểm soát chặt chẽ từ các mối quan hệ bên ngoài đến việc chi tiêu, mua sắm, thậm chí ngay cả việc “quan hệ” với chồng cũng phải theo lịch. Do quá ngột ngạt và bế tắc, họ buộc phải trốn chạy.

Hãy dũng cảm lên tiếng

Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc và tư vấn cho những nạn nhân của bạo lực gia đình, bà Lê Thị Ngọc Bích - nhân viên tham vấn Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ, bạo lực gia đình gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, là nguyên nhân chính phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, khiến không ít chị em bị ám  ảnh, đau khổ cả đời. Tuy vậy, bạo lực gia đình vẫn không ngừng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân là do ngược đãi tinh thần và ngược đãi tình dục trong gia đình vẫn chưa được nhìn nhận như một hình thức của bạo lực gia đình. Còn bạo lực thể chất hầu như chưa được xử lý tận gốc, chủ yếu vẫn được giải quyết bằng con đường hòa giải nội bộ. Bên cạnh đó, không ít chị em  vẫn có tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên cam chịu và giấu kín.

“Để ngăn chặn bạo lực gia đình, điều quan trọng nhất là ngay từ khi có mầm mống xảy ra, chị em phải nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm lên tiếng bằng cách chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần bổ sung thêm các kỹ năng tự bảo vệ, các kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết bạo hành để có biện pháp giải quyết kịp thời”, bà Lê Thị Ngọc Bích tư vấn.

Ở góc độ pháp luật, theo luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện pháp luật Việt Nam đã có các quy định nhằm ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi bạo lực gia đình. Theo BLHS, người có hành vi bạo hành đối với người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc Tội làm nhục người khác. Ngoài ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định rõ, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc xử lý hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Cái giá phải trả cho bạo lực gia đình là vô cùng lớn bởi nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới nạn nhân và con cái họ mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Để công tác phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, trang bị kỹ năng làm việc cho cán bộ thực thi (cứu giúp nạn nhân, cách ly kẻ bạo hành…). Bên cạnh đó, sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở và người dân, đặc biệt là các nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân cũng vô cùng cần thiết.

Bữa sáng ruy băng trắng

Sáng qua 25-11, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện “Bữa sáng ruy băng trắng”, nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Tại bữa sáng đặc biệt này, mỗi cá nhân tham dự đều cài lên áo một chiếc ruy băng trắng - biểu tượng xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây là lần thứ hai sự kiện Bữa sáng ruy băng trắng được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các đại sứ quán, lãnh đạo bộ, ban, ngành, các tổ chức phi chính phủ và Liên hợp quốc. Sự kiện nằm trong chiến dịch 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc, cho biết: “Từ nhiều năm nay, chúng ta nói về việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ, đối với riêng phụ nữ, thế nhưng khi nhìn sâu vào vấn đề, chúng ta thấy rằng sự gắn kết tham gia của nam giới và trẻ em trai cũng không kém phần quan trọng. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà nên là những đối tác, nhân tố thúc đẩy sự thay đổi”.

Hoàng Cường (Ghi)