Lo vaccine phòng dại có hại cho sức khỏe và nhiều sai lầm nguy hiểm khác trong tiêm chủng

ANTD.VN - Thời gian gần đây, miền Bắc ghi nhận liên tiếp những trường hợp tử vong do chó cắn, thế nhưng nhiều người vẫn không muốn đưa con đi tiêm phòng vì sợ vaccine dại có hại cho sức khỏe. Thậm chí, nhiều phụ huynh thấy con nhẹ cân, gầy còm nên cũng… kiêng vaccine.

Lo vaccine phòng dại có hại cho sức khỏe và nhiều sai lầm nguy hiểm khác trong tiêm chủng ảnh 1

Tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi và cho người bị chó, mèo cắn là biện pháp phòng bệnh vô cùng quan trọng

Trả giá bằng tính mạng vì không tiêm vaccine

Chị Hà, nhân viên trực đường dây nóng của cơ sở tiêm chủng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chia sẻ, thời gian gần đây, Trung tâm nhận được rất nhiều cuộc điện thoại từ các bậc phụ huynh hỏi thông tin về vaccine dại.

Trong đó, nhiều người phản ánh con mình bị chó cắn, dù khá lo lắng nhưng thấy con chó cắn trẻ vẫn còn khỏe nên chưa đưa con đi tiêm phòng, nhất là lo ngại việc tiêm vaccine phòng dại ảnh hưởng tới thần kinh của trẻ.

Trên thực tế, qua thống kê từ các trường hợp tử vong do bệnh dại trong vài năm gần đây, gần như 100% số ca phát dại chưa được tiêm vaccine phòng dại. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi thường xuyên tiếp nhận và chứng kiến những trường hợp bệnh nhân lên cơn dại, tử vong như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, những trường hợp bệnh nhân lên cơn dại thường rất ám ảnh, hầu như không thể chữa được. Nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ, họ chỉ mong quay ngược lại thời gian để bệnh nhân có thể đi tiêm phòng vaccine.

Bác sĩ Cấp phân tích, khi bị chó dại cắn, không phải 100% người bị cắn phát bệnh dại mà có người bị, có người không. Tuy nhiên không thể dự đoán được người nào có thể bị phát dại hay không, và khi đã phát bệnh dại nhìn chung sẽ tử vong nên tất cả những người bị chó dại cắn đều được khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Còn việc tiêm vaccine phòng dại có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hệ thần kinh của trẻ hay không, theo TS. BS Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Miền Bắc, trước đây, các vaccine sử dụng tiêm phòng dại là vaccine thế hệ cũ được sản xuất từ não chuột nên độ tinh khiết không cao và tồn dư các tế bào từ não chuột làm tỷ lệ phản ứng bất thường cao.

Tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vaccine phòng dại thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào thận khỉ, hay tế bào lưỡng bội người hoặc tế bào vero tinh khiết, đồng thời, virus dại đã được bất hoạt với quy trình sản xuất chặt chẽ, chất lượng vaccine tốt hơn nên không có những tác dụng phụ lên hệ thần kinh như vaccine cũ.

Trẻ sinh non, nhẹ cân… có tiêm vaccine được không?

Lo vaccine phòng dại có hại cho sức khỏe và nhiều sai lầm nguy hiểm khác trong tiêm chủng ảnh 2

Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh

Đầu tháng 8 này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hai bệnh nhi là cặp song sinh 11 tháng tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị bệnh sởi, tiên lượng nặng. Đến nay, sau hơn 3 tuần điều trị tại viện, may mắn hai bé đã qua cơn nguy kịch.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, qua lời kể của gia đình, cặp song sinh này chào đời khi mới 30 tuần tuổi và bị nhẹ cân nên tới thời điểm nhập viện, cả hai cháu vẫn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi (vốn có thể tiêm khi trẻ 9 tháng). Tính chung từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi của Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho gần 40 ca mắc sởi, 100% bé mắc bệnh chưa được tiêm vaccine.

Đây cũng là tình trạng chung được ghi nhận từ những bệnh nhi mắc sởi, ho gà… vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay. Rất nhiều phụ huynh của các trẻ mắc bệnh giải thích lý do không đưa trẻ đi tiêm vaccine vì trẻ hay bị ốm; nhẹ cân, gầy còm; một số trẻ sinh non, thiếu tháng; phổ biến nhất là các trẻ cứ đến lịch tiêm lại sốt, ho, hoặc do gia đình lo ngại các phản ứng không mong muốn có thể gặp phải sau khi tiêm vaccine…

Về vấn đề này, TS Lê Kiến Ngãi - Phụ trách đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều gia đình nghĩ rằng trẻ sinh non, thiếu cân, lại từng mắc bệnh nên thường xuyên trì hoãn tiêm chủng cho con.

Song khi trẻ bị chậm một mũi tiêm sẽ dẫn tới chậm hàng loạt mũi vaccine tiếp theo, mà đó là các loại vaccine cần thiết trong từng giai đoạn phát triển của trẻ, nên sẽ dẫn tới những hậu quả rất đáng tiếc. Thực tế theo khuyến cáo của Bộ Y tế, với trẻ từ 2kg trở lên vẫn có thể tiêm chủng bình thường, không nên trì hoãn hay chờ cho trẻ đủ cân mới đi tiêm chủng.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng với những trẻ có tình trạng bệnh lý cụ thể, bệnh cấp tính, sốt cao, hay bệnh tiến triển như hô hấp, nhiễm trùng… thì nên “kiêng” tuyệt đối việc tiêm phòng. TS Ngãi cho biết, khi trẻ hết thời gian điều trị, cha mẹ hoàn toàn có thể cân nhắc để tiêm cho trẻ càng sớm càng tốt. TS Ngãi nhấn mạnh, khi trẻ bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể không toàn vẹn, yếu hơn thông thường, do đó càng phải được theo dõi sát sao và tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ cơ thể.