Lộ thông tin danh tính: Chuyện tưởng không to nhưng to không tưởng

ANTD.VN - Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc một cô gái Việt bị bắt giữ tại Pháp khi đang đi du lịch vì dính líu tới vụ án buôn ma túy 5 năm trước tại Bỉ. Cô gái này luôn khẳng định mình bị bắt nhầm do bị đánh cắp danh tính. Thực hư câu chuyện vẫn còn đang được điều tra, tuy nhiên, vụ việc cho thấy việc để lộ thông tinh danh tính nguy hại hơn người ta tưởng rất nhiều.

Vụ việc xảy ra từ ngày 18-12-2018. Khi đó, chị Phạm Thị Tuyết Mai đang trên đường đến Malta và nối chuyến tại sân bay Charles de Gaulle Paris, Pháp. Trong quá trình làm thủ tục kiểm tra hộ chiếu, chị Mai bị bắt với lý do bị cảnh sát Bỉ truy nã do liên quan đến vụ án buôn bán ma túy. Cho đến thời điểm này, chị Mai không được xuất cảnh khỏi Pháp và vẫn đang chờ các thủ tục pháp lý tiếp theo. Theo chị Mai, chị đã rơi vào trường hợp bị ăn cắp thông tin để phạm pháp – vốn xảy ra với rất nhiều người, kể cả các công dân Châu Âu.

Trước vụ việc của chị Mai, mới đây, báo chí cũng đưa tin về vụ việc một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội sử dụng danh tính của khách hàng để làm giả sổ tiết kiệm, rút hơn 10 tỉ đồng của vị khách này.

Đây chỉ là hai ví dụ mới nhất cho thấy tội phạm có thể sử dụng thông tin danh tính để làm những việc gì và cho thấy sự nguy hiểm của loại hình tội phạm này.

Gian lận danh tính là gì?

Gian lận danh tính là việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác mà không được cho phép để đạt được những lợi ích bất hợp pháp. Gian lận danh tính xảy ra khi một người sử dụng thông tin của người khác, như số an sinh xã hội/ số CMTND, để phạm tội. Tội phạm có thể mở thẻ tín dụng dưới tên của nạn nhân, trộm khoản tiền hoàn thuế hoặc sử dụng thông tin của nạn nhân để khám chữa bệnh.

Theo nghiên cứu về nạn gian lận danh tính hàng năm của Javelin Strategy & Research, công ty tư vấn – nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ, năm 2017, số nạn nhân của tội phạm gian lận danh tính tại Mỹ là 16,7 triệu người với tổng thiệt hại lên đến gần 17 tỉ USD.

“Trong quá khứ, tội phạm sẽ lấy và bán bán các mẩu thông tin cá nhân của nạn nhân”, Al Pascual, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc nghiên cứu, Người đứng đầu bộ phận về Gian lận và Bảo mật tại Javelin Strategy & Research nói. “Bây giờ, chúng có mọi thông tin, tên tuổi, địa chỉ, số an sinh xã hội… và chúng chiếm quyền kiểm soát nhiều tài khoản cùng một lúc”.

Thống kê số nạn nhân của nạn gian lận danh tính và số tiền thiệt hại qua các năm từ 2011 đến 2017 tại Mỹ của Javelin Strategy & Research. Biểu đồ cột màu vàng cam thể hiện số nạn nhân của gian lận danh tính (đơn vị: Triệu người), biểu đồ chột màu xanh thể hiện thiệt hại (đơn vị: Tỉ USD).

Cũng theo kết quả thống kê từ nghiên cứu của Javelin, số vụ chiếm quyền kiểm soát tài khoản tại Mỹ năm 2016 tăng 61% so với năm 2015 với tổng thiệt hại lên đến 2,3 tỉ USD.

Lộ thông tin cá nhân, nguy cơ đối diện với nạn gian lận danh tính

Tội phạm có thể lấy cắp các thông tin cá nhân của nạn nhân bằng cả hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp, chúng có thể lấy cắp ví tiền,chứa các loại giấy tờ cá nhân như thẻ tín dụng, thông tin ngân hàng, thẻ căn cước… hoặc đánh cắp thư tín bao gồm các thư về sao kê ngân hàng, biên lai các dịch vụ, chi phiếu hay các thông tin thuế. Theo cách gián tiếp, tội phạm có thể thu thập thông tin cá nhân của các nạn nhân từ những gì họ chia sẻ trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn trên Internet. 

Bên cạnh đó, dữ liệu thông tin khách hàng, người dùng của các công ty, tổ chức càng ngày càng trở nên có giá trị và thu hút sự chú ý của tội phạm, đặc biệt là tội phạm mạng.

Năm 2018 chứng kiến hàng hoạt vụ bê bối liên quan đến việc để lộ dữ liệu người dùng và thông tin khách hàng của không chỉ các công ty, doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Cuối tháng 3-2018, dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dụng mạng xã hội Facebook bị công ty Cambridge Analytica tiếp cận và sử dụng trái phép. Đầu tháng 10-2018, Google đóng cửa mạng xã hội Google + vì để lộ thông tin người dùng trong giai đoạn 2015 tới 2018.

Tại Việt Nam, ngày 13-10-2018, tin tặc tuyên bố lấy được dữ liệu của 275.000 khách hàng của Ngân hàng Hợp tác xã và đòi tiền chuộc 100.000 USD. Trong vòng 2 tuần đầu tháng 11-2018, tin tặc tiết lộ thông tin thẻ ngân hàng được cho là của khách hàng Thế giới di động trên một diễn đàn mạng. Vài ngày sau, dữ liệu nhân viên được cho là của chuỗi bán lẻ Con Cưng bị tung ra. FPT Shop cũng không nằm ngoài cuộc khi tin tặc công khai một số dữ liệu và tuyên bố chúng thuộc về khách hàng của nhà bán lẻ này.

Đối phó với nạn gian lận danh tính vô cùng phức tạp do nạn nhân hoàn toàn bị động và chỉ biết thông tin cá nhân của mình bị lợi dụng khi phải hứng chịu hậu quả trực tiếp của hành phi phạm tội. Chính vì vậy, việc nâng cao cảnh giác và bảo mật dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết để tự bảo vệ mình trước những rắc rối pháp lý hoặc các tổn thất tài chính không đáng có.