Lo nhiễm độc sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, 12 người đến xét nghiệm, bệnh viện Bạch Mai nói gì?

ANTD.VN - Ít nhất đã có 10 phóng viên, 2 người dân – là những người có mặt ở hiện trường vụ cháy kho của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm vì lo ngại nhiễm độc. Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng về vấn đề này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên trả lời báo chí về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

Chiều nay, 30-8, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đã thông tin đến báo chí về việc một số người dân sống xung quanh khu vực Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) đang lo lắng vì sợ nhiễm độc sau khi xảy ra đám cháy tại công ty này ngày 28-8 vừa qua.

Theo bác sĩ Nguyên, sáng nay, 30-8, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 10 phóng viên, 2 người dân đến khám, kiểm tra. Những bệnh nhân này là những người sống cạnh nhà máy Rạng Đông hoặc đã trực tiếp có mặt ở hiện trường vụ cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông, tiếp xúc với khói từ đám cháy.

Lý do các bệnh nhân trên chủ động đến khám vì họ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhưng mục đích đến kiểm tra là chính, vì lo lắng trước thông tin có thể hít phải khói chứa thủy ngân từ vụ cháy.

“Qua kiểm tra, tình trạng các bệnh nhân ổn định, khám trên lâm sàng không có dấu hiệu đặc biệt. Về việc các bệnh nhân lo bị nhiễm độc thủy ngân, chúng tôi đã cho làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Hiện đang đợi kết quả xét nghiệm để đánh giá nguy cơ” – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo những trường hợp cụ thể cần đi xét nghiệm thủy ngân

Trước câu hỏi của báo chí về nguy cơ ảnh hưởng từ vụ cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông đến sức khỏe người dân cụ thể như thế nào, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong các vụ cháy thông thường, người tiếp xúc gần với vụ cháy thường có các nguy cơ: hít phải hơi nóng, có thể gây bỏng hô hấp, có thể hít phải khói độc bởi trong đám khói có thể chứa nhiều chất gây ngộ độc…

Riêng với vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, hiện nay vấn đề mà nhiều người đang lo ngại là nhiễm độc thủy ngân, bác sĩ Nguyên khẳng định, hiện tất cả lo lắng này mới chỉ là phán đoán, là nghĩ đến để theo dõi. Muốn xác định rõ hơn, cơ quan chức năng sẽ có những đánh giá, quan trắc về môi trường, nguồn nước… khi đó mới có thể đánh giá được chính thức.

Dù vậy, qua phân tích, trong sản xuất bóng đèn huỳnh quang có sử dụng một lượng thủy ngân nhất định. Theo bác sĩ Nguyên, bình thường nguy cơ gây nhiễm độc thủy ngân từ bóng đèn rất thấp, kể cả khi bóng đèn vỡ ra. Tuy vậy, trong điều kiện nhiệt độ nóng của vụ cháy, thủy ngân có thể bốc hơi vào không khí, hít vào rất nguy hiểm.

Việc người dân sống xung quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc hít phải khí độc của đám cháy có bị ngộ độc thủy ngân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nồng độ thủy ngân bị nhiễm độc; thời gian tiếp xúc với khí độc; hay các yếu tố khác như người ở gần khu vực đám cháy nhưng thuận chiều gió hay xuôi chiều gió; độ tuổi của nạn nhân; hoạt động tiếp cận vụ cháy của nạn nhân…

“Vì thế chúng ta không thể khẳng định được tất cả những người sống trong khu vực xảy ra đám cháy đều nhiễm độc, nguy cơ cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố” – bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông, những người có nguy cơ cao, cần đi kiểm tra sức khỏe là: những người trực tiếp tham gia trong thời điểm xảy ra đám cháy như  công nhân nhà máy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhà báo tiếp xúc với đám cháy… Thứ hai là những người sống gần khu vực xảy ra cháy có biểu hiện như đau ngực, nôn, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đáng kể khác.

Những người ở khoảng cách xa vụ cháy, thì nguy cơ thấp hơn. Vì thế, không nhất thiết phải đổ xô đi khám, xét nghiệm gây quá tải bệnh viện và tốn kém cho chính người dân.