Lo ngại "vàng thau lẫn lộn"

ANTD.VN - Liệu có bùng phát “làn sóng” đi học tại chức bằng mọi giá? - Đó là câu hỏi “nóng” được giới chuyên gia giáo dục và công luận đặt ra khi dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) sẽ không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Ý kiến của dư luận cho rằng không nên “tầm thường hóa” giá trị của bằng cấp.

Lâu nay vẫn tồn tại định kiến phổ biến trong xã hội về sự yếu kém trong chất lượng giáo dục thường xuyên, cụ thể là những sản phẩm “ra lò” từ hệ đào tạo tại chức. Muốn xóa đi định kiến này, chỉ có một cách duy nhất là đảm bảo người được cấp bằng, dù tại chức hay chính quy cũng phải có đủ kỹ năng cần thiết để xử lý công việc chuyên môn.

Làm được điều này thì trường đại học tự khắc khẳng định được chất lượng đào tạo, khẳng định đầu ra, giáo viên và chương trình của trường đạt chuẩn mà thị trường nhân lực chờ mong. Còn ở thời điểm này, khi các hệ đào tạo vẫn tuyển sinh riêng, thi tốt nghiệp và sự quan tâm đến chất lượng đào tạo, ý thức “cẩn thận khi cấp các văn bằng” của các trường mới chỉ thể hiện trong… hy vọng của Bộ GD-ĐT, thì bằng cấp vẫn cần phản ánh sự nỗ lực, công sức của người học? 

Chưa bàn tới vấn đề gây bức xúc xã hội xoay quanh sự khác biệt rõ rệt giữa hai loại hình đào tạo, điểm dễ nhận thấy nhất là, sinh viên theo học hệ chính quy đương nhiên phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” hơn người theo học hệ tại chức. Không nên “trộn lẫn vàng thau”, từ đó tạo mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những người theo học tại chức để kiếm tấm bằng “hộ mệnh” lên chức, lên lương.

Thực tế cho thấy, hàng loạt các tỉnh thành trên cả nước đã “nói không” với bằng hệ tại chức. Nếu như việc đưa ra tiêu chuẩn phải có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ở một số địa phương cho thấy, một vấn đề tồn tại nhiều năm trong xã hội, đó là sự phân biệt rạch ròi giữa tại chức và chính quy, thì việc “xóa bỏ” hệ đào tạo tại chức, chính quy trên các tấm bằng là một giải pháp… mơ hồ, khó chấp nhận.

Thực ra, Bộ GD-ĐT muốn tạo điều kiện cho người học bất cứ hình thức nào khi ra trường đều có cơ hội như nhau. Song thực tế, chất lượng đào tạo giữa các trường công, tư, giữa các hình thức đào tạo rất khác nhau, không thể cào bằng.

Chính vì vậy, dư luận lo ngại, nếu không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng có thể tạo nên trào lưu ồ ạt học tại chức, vừa ít tốn thời gian, công sức vừa có tấm bằng chẳng kém ai. Để chất lượng đào tạo tại chức, chính quy ngang bằng là cái đích phải hướng tới, xóa bỏ tình trạng sính bằng cấp. Tuy nhiên, khi chất lượng chênh nhau thì không thể “bật đèn xanh” cho tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.