Lo ngại dịch tiêu chảy cấp tái xuất

ANTĐ - Trước tình hình nhiều dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, chiều 6-8, Bộ Y tế đã họp trực tuyến với 4 điểm cầu gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xem xét, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ngoài việc ngăn chặn dịch Ebola xâm nhập thì mối lo ngại hàng đầu hiện nay là dịch tả có nguy cơ tái xuất.

Y tế dự phòng địa phương tiến hành phun xịt thuốc tại khu vực ổ dịch tiêu chảy cấp tại TP.HCM

Cuối tháng 7, tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã bùng phát một ổ dịch tiêu chảy cấp khiến hơn 10 người mắc phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 bệnh nhi tử vong. Trước diễn biến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế tiến hành kiểm tra và làm việc với TP Hồ Chí Minh về tình hình dịch tiêu chảy cũng như đánh giá nguy cơ lây lan, bùng phát của dịch. Tại cuộc họp chiều 6-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, qua kiểm tra cho thấy diễn biến tình hình tiêu chảy cấp năm nay có thể có chiều hướng gia tăng hơn so với vài năm trước đó. 

“Mặc dù thống kê về số trường hợp mắc tiêu chảy trong 6 tháng đầu năm 2014 có giảm so với cùng kỳ 2013 nhưng chúng tôi vẫn tiên lượng dịch này đang có diễn biến phức tạp và dịch tả có nguy cơ xảy ra ở nước ta. Vừa rồi qua giám sát chủ động, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã phát hiện một mẫu ốc bươu có phẩy khuẩn tả và chủng phẩy khuẩn tả, đây cũng là chủng phẩy khuẩn tả đã gây dịch tả ở nước ta vào năm 2007. Vì thế, Bộ Y tế quyết định nâng mức cảnh báo đối phó với tình hình tiêu chảy cấp và dịch tả ở mức độ cao hơn” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch tả có thể tái xuất trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích, đầu tiên là do môi trường ô nhiễm, thực phẩm ô nhiễm. Thực tế mầm bệnh tả có thể xuất phát và lây lan dịch từ nguồn nước, thực phẩm và nếu như nguồn bệnh xuất phát từ nguồn nước thì khả năng xảy ra dịch rất lớn. Sau vụ dịch tả năm 2007, số người lành mang khuẩn tả vẫn còn trong khi cả nước mới có 2 tỉnh, thành phố sử dụng vaccine tả cho người dân. Mặt khác, hiện đang bước vào mùa mưa lũ, vệ sinh môi trường ở nhiều nơi còn hạn chế, trong khi điều kiện vệ sinh cá nhân, thói quen phòng bệnh của người dân còn chưa cao… nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là không hề nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, vừa qua khi kiểm tra 3 nhà máy nước lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh là Thủ Đức, Bình Chánh và Phong Phú (Bình Lợi 3), nước của cả 3 nhà máy đều không đạt chỉ tiêu clo dư ngay từ gốc; lượng mangan, sắt đều cao hơn mức cho phép. Do vậy không loại trừ khả năng nước sẽ bị nhiễm khuẩn, trước tiên là vi khuẩn dịch tả lây qua đường nước. “Đặc biệt, tại khu vực ổ dịch tiêu chảy cấp ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), xung quanh mỗi nhà dân đều có khoảng 3-4 cầu tiêu ao cá, chỉ cách nhau khoảng chục mét. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm ở ổ dịch này cho thấy, 8 mẫu có các tác nhân gây tiêu chảy, vi khuẩn E.coli, đồng thời phát hiện vi khuẩn tả ở ốc bươu” – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết. 

Để kịp thời phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh tiêu chảy cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu TP Hồ Chí Minh phải nhanh chóng tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân, cải thiện ngay tình trạng vệ sinh môi trường. Đồng thời Bộ Y tế cũng đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực các hoạt động phòng chống bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, tập trung vào bệnh tiêu chảy cấp nhằm phát hiện sớm, chủ động xử lý các ổ dịch không để bùng phát. 

Hà Nội phản ứng kịp thời

Để chủ động phòng chống chủng virus mới Ebola - Bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm tại các quốc gia vùng Tây Phi, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh này tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội. 
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội tăng cường kiểm soát, phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên xâm nhập vào Hà Nội, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiểu tác hại khi dịch xảy ra. Các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có kế hoạch phòng chống dịch, giám sát tại cộng đồng, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và phương tiện phòng chống dịch theo từng cấp độ để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Mặc dù, hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Ebola nhưng Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.