Lo cả đầu vào, đầu ra

ANTD.VN - Trong nhiều năm nay, so với những ngành ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh hoặc y, dược hay khối ngành đặc thù như quân đội, công an, ngành sư phạm luôn đứng cuối bảng xếp hạng điểm chuẩn tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Năm nay, tình trạng còn bi đát, đáng lo ngại hơn khi điểm chuẩn vào một số ngành sư phạm chỉ ở mức điểm sàn, thậm chí điểm đầu vào 9-10 điểm/ 3 môn cũng… đỗ.

Có một thực tế đã tồn tại trong nhiều thập kỷ nay, đó là tâm lý phổ biến trong xã hội, nhất là các bậc làm cha mẹ cũng như lớp trẻ thường coi nghề dạy học vừa vất vả, hao tâm, tốn sức, vừa thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Trong khi đó, các ngành “hot” luôn “đắt hàng” vì dễ được tuyển dụng trong các công ty, doanh nghiệp với mức lương cao so với mặt bằng chung, con đường tiến thân rộng mở.

Chưa kể, nếu đỗ vào các trường quân đội, công an, cha mẹ không phải chạy vạy lo đóng học phí, ra trường không phải chạy ngược xuôi công ăn việc làm. Trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt ở thị trường lao động, ngành sư phạm ngày càng thêm lép vế, không thu hút được lớp trẻ, cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm.

Tuy nhiên, với mức điểm tuyển sinh thấp hơn cả điểm sàn, dư luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Đầu vào không sàng lọc thì đầu ra sẽ ra sao? Chính các nhà quản lý giáo dục cũng như những giáo viên tâm huyết với nghề “trồng người” cũng bày tỏ quan ngại. Thầy cô được ví như những máy cái để làm ra những cái máy con.

Nếu máy cái không có năng lực giỏi, nghiệp vụ sư phạm chuyên sâu, nhất là thiếu tình yêu nghề, yêu học sinh thì làm sao đứng trên bục giảng dốc hết tâm huyết truyền đạt kiến thức, dạy dỗ, uốn nắn các em nên người? Không thể tưởng tượng, những người thầy, cô nay mai, “miễn cưỡng” bước vào ngành sư phạm với “thành tích” mỗi môn chỉ đạt 3 điểm sẽ giáo dục, đào tạo và cho “ra lò” một thế hệ chủ nhân tương lai kiến tạo, xây dựng đất nước như thế nào?

Đã có ý kiến thẳng thắn chỉ ra tình trạng tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong nhiều năm nay, thực chất là “vơ bèo, gạt tép”. Dường như sinh viên không vào được ngành nào khác thì đành bước chân vào sư phạm, tức là không còn con đường nào khác.

Lo đầu vào, đầu ra cho ngành giáo dục ngày càng trở nên bức xúc trong xã hội cả trước mắt lẫn lâu dài. Xu hướng đổ xô vào các ngành “nóng” là nhu cầu thực, phải chấp nhận. Giải pháp căn cơ, lâu dài tùy thuộc hoàn toàn vào ngành giáo dục - đào tạo.