Liên tiếp những trường hợp nguy kịch, tử vong do thực phẩm không an toàn, đâu là nguyên nhân?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu mùa hè đến nay, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch vào cấp cứu do ngộ độc thực phẩm và đã có những ca tử vong đầy thương tâm.

Đoàn kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở ở quận Long Biên

Theo các bác sĩ và chuyên gia an toàn thực phẩm (ATTP), ngoài việc thời tiết nắng nóng mùa hè, ý thức chấp hành quy định pháp luật của các doanh nghiệp, thói quen ăn thực phẩm tươi sống của người dân… thì công tác quản lý cũng còn nhiều vấn đề.

Những cái chết thương thương tâm

Ngày 30-6 vừa qua, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn A. (Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, nôn, tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao. Theo lời kể, ông A. có tiền sử bệnh gan do uống rượu nhiều, trước khi nhập viện có ăn hải sản chưa nấu chín kỹ.

Tại bệnh viện, ông A. được chẩn đoán nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus (V. vulnificus) – loài vi khuẩn ký sinh trong hải sản, đặc biệt là hàu biển. Chỉ sau vài giờ vào viện, bệnh nhân A. nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, hoại tử diện rộng và đã không qua khỏi.

Cũng ở những ngày cuối tháng 6-2020, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị T. (64 tuổi, ở quận Đống Đa) đã chuyển đến cấp cứu trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận. Qua khai thác bệnh sử, trước đó, bà T. mua đào từ gánh hàng rong, sau khi ăn được 30 phút thì đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục và dẫn đến mất nước trầm trọng.

Nhận định về ca bệnh này, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, căn nguyên ngộ độc của bà T. nghi ngờ cao là do quả đào có chứa hóa chất bảo quản vì hiện nay có quá nhiều loại hóa chất có thể bị tùy tiện sử dụng, đưa vào thực phẩm, rau củ quả…

Trước đó ít lâu, trong tháng 4 và 5-2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn xảy ra 1 vụ ngộ độc rượu do methanol với 12 người mắc, 3 người tử vong tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam (huyện Mê Linh) với 29 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Nhiều công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam nhập viện vì ngộ độc thực phẩm

Chia sẻ thông tin về vụ ngộ độc rượu ở xã Kiêu Kỵ, Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong bày tỏ: 3 người tử vong đều là những cái chết đầy thương tâm và là hồi chuông cảnh báo ghê gớm.

Vụ ngộ độc này xảy ra khi nhóm công nhân lao động ở xã Kiêu Kỵ mua rượu tại một cửa hàng tạp hóa gần nơi ở về uống liên hoan, nhưng “nhậu xong” thì 12 người nhập viện, truy tìm nguyên nhân thì phát hiện loại rượu mà họ đã uống thực chất là rượu pha cồn công nghiệp…

Tính rộng hơn, số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 6-2020, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 393 người bị ngộ độc. Tích lũy 6 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.087 người bị ngộ độc, trong đó 15 người tử vong.

Nguy cơ còn hiện hữu

Qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, Cục ATTP - cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)…

Vẫn còn tỷ lệ khá cao các mẫu nông, lâm, thủy sản được xét nghiệm không đảm bảo ATTP

Cũng vì thế, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng vọt trong mùa hè như hiện nay được lý giải là do thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị hư hỏng, nhiễm vi sinh vật có hại.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, mùa hè luôn là mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức khỏe, sức đề kháng con người bị giảm sút vì nắng nóng.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là không ít người không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm ATTP như: Ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau, củ, quả, thực phẩm trước khi ăn và chế biến… Đặc biệt, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thậm chí chứa độc tố, hóa chất độc hại vẫn còn nhiều trên thị trường mà chưa kiểm soát được.

“Tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp dần lên do ngày càng nhiều loại hóa chất. Người dân ăn rồi bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ chẩn đoán cũng gặp khó khăn. Do việc xét nghiệm độc chất cần máy móc chuyên dụng, trong khi các bệnh viện lại không có” – TS Nguyễn Trung Nguyên nêu thực trạng cần cảnh báo.

Nhìn lại kết quả triển khai Tháng hành động Vì ATTP năm 2020 của thành phố Hà Nội vừa kết thúc cũng cho thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp, vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại về chất lượng nông lâm thủy sản.

Cụ thể, trong tháng 5-2020, các cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy 485 mẫu sản phẩm nông lâm sản và thủy sản để xét nghiệm. Kết quả, phát hiện 37 mẫu (thịt, rau, thủy sản...) không đạt các chỉ tiêu an toàn, chiếm 7,6% tổng số mẫu.

Trong Tháng hành động Vì ATTP, lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức kiểm tra 114 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua giám sát, phát hiện tới 34 trường hợp có vi phạm, chiếm gần 1/3 tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra.

Đáng chú ý, mặc dù số lượng cơ sở có vi phạm cao song công tác xử lý của các cơ quan chức năng dường như còn khá nương nhẹ. Cụ thể, trong tổng số 34 cơ sở có vi phạm, ngành nông nghiệp chỉ ban hành quyết định xử phạt đối với 4 đơn vị, với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Các trường hợp còn lại chỉ bị các cơ quan chức năng cảnh cáo, nhắc nhở…

Trong khi đó, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố Hà Nội là Sở Y tế Hà Nội tổng hợp, trong quý II-2020, thành phố đã tổ chức hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 27.727 lượt, trong đó phát hiện, phạt tiền 1.905 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 6,9 tỷ đồng…

Nói về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh: “Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt. Chúng ta không chỉ tăng cường năng lực quản lý nhà nước, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm mà còn phải làm thay đổi nhận thức và thói quen của người dân”.

Khuyến cáo phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, để phòng chống ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong mùa hè, cách tốt nhất là người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm;

Cùng đó, bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ, thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.

Ngoài ra, nên lưu ý chế biến thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ nên sử dụng khi bảo quản trong một thời gian nhất định. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.

Điều quan trọng nữa là người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.