Liên tiếp các vụ đầu độc bằng Xyanua: Vì đâu nên nỗi?

ANTD.VN -Liên tiếp các vụ đầu độc bằng Xyanua diễn ra trong thời gian qua cho thấy độc tính cực mạnh của loại hóa chất chết người này. Mặc dù vậy, trên thực tế việc mua bán Xyanua hiện khá dễ dàng, chẳng khác nào mua rau ngoài chợ.

Gây chết người chỉ trong vài phút

Cuối tháng 4 vừa qua tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa xảy ra vụ đầu độc Xyanua gây chết người rất nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và 2 người bị ngộ độc sau khi uống rượu.

Theo kết quả điều tra, ông Trần Xuân Minh (46 tuổi) làm nghề chế tác vàng, vợ là bà Lê Thị P (38 tuổi) làm nghề môi giới BĐS tại một công ty. Do thua lỗ trong làm ăn, hai vợ chồng ông Minh thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, không ít lần ông Minh đã bộc lộ ý định dọa giết bà Phương vì nghi vợ cớ mối quan hệ tình cảm với người khác.

Chiều 19/4, ông Minh mang 2 lít rượu từ nhà đến công ty nơi vợ làm việc rồi đổ vào bình inox 0,5 lít để lại công ty này và đi về nhà. Trưa hôm sau, tại công ty này có 6 người cùng ăn trưa uống rượu ông Minh mang đến, trong đó có ông Đ.P.V - một lãnh đạo Cục thi hành án dân sự TP. Thanh Hóa; Ông N.N T (39 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty nơi bà Phương làm việc; bà T.T.X, bà Lê Thị Phương - vợ ông Minh….

Sau khi uống rượu, ông V, ông T, bà X có dấu hiệu trúng độc nên được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hậu quả là ông V chết ngay sau đó, bà X, ông T bị ngộ độc. Khi biết tin này, ông Minh đã uống chất độc để tự sát. Kết quả test nhanh mẫu rượu tại Công ty Á Âu cho thấy có chất độc Xyanua – một hóa chất cực độc, có thể gây chết người trong vài phút.

Đối tượng Lại Thị Kiều Trang

Trước đó, tại Thái Bình cũng xảy ra vụ đầu độc bằng Xyanua khiến 1 người phụ nữ tử vong. Do có quan hệ tình cảm với người đàn ông đã có vợ, Lại Thị Kiều Trang (25 tuổi, ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã mua Xyanua qua mạng rồi bỏ vào trà sữa với mục đích giết hại chị họ tên Y – vợ của “người yêu”. Chị Y may mắn thoát chết nhưng chị N.T.H – bạn chị Y đã tử vong ngay sau khi uống trà sữa vài phút.

Theo các chuyên gia hóa học, Natri Xyanua (NaCN) là chất cực độc ngang hàng với thạch tín. Nó thường tồn tại dưới 2 dạng là thể rắn và thể lỏng, hầu như không mùi hoặc hơi có mùi hạnh nhân, có thể tan trong nước, rượu, sử dụng nhiều trong ngành khai thác quặng. Xyanua có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp, qua ăn uống. Khi uống phải Xyanua với liều 100-200 mg, nạn nhân có thể tử vong ngay lập tức.

Mua bán tràn lan

Những vụ việc trên cho thấy, việc mua chất độc Xyanua hiện khá dễ dàng, mặc dù theo quy định chất này chỉ được bán cho đơn vị là doanh nghiệp và có mục đích sử dụng rõ ràng. Chỉ cần vài trăm nghìn đồng, cá nhân có thể mua khoảng 10ml Xyanua để thực hiện hành vi tước đoạt mạng sống của người khác. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng việc quản lý mua bán chất  độc này đang bị thả nổi?

Theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Hóa chất quy định, việc mua bán chất độc phải có phiếu kiểm soát với đầy đủ thông tin của bên mua và bên bán kèm theo mục đích sử dụng.

Cá nhân tổ chức bán hóa chất độc hại phải có giấy phép kinh doanh. Natri xyanua thuộc các danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh. Việc nhập khẩu hóa chất phải khai báo và danh mục hóa chất phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất ban hành kèm theo Nghị định 26/2011/NĐ-CP.

Những công ty hóa chất được cấp phép bán mặt hàng này chỉ bán cho những đơn vị có chức năng và cũng phải được Nhà nước cấp phép. Việc kinh doanh mà không có giấy phép là trái quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự theo quy định hiện hành.

Luật sư Hồng Vân cũng cho rằng, quy định là vậy, song trên thực tế việc mua bán các chất này rất dễ dàng. Người mua chỉ cần gọi điện đặt mua, chuyển tiền và nhận hàng mà không phải qua bất cứ thủ tục, giấy tờ nào.

Bên cạnh đó, dù việc mua bán được thực hiện có phiếu kiểm soát cũng không đảm bảo được việc người mua khai đúng hay không, bởi quy định chỉ là quy định tự khai, không yêu cầu người mua phải có giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng.

Do vậy, trong khi chờ các cơ quan chức năng có biện pháp siết chặt việc mua bán hóa chất độc hại, để bảo vệ mình và người thân, mỗi cá nhân cần thận trọng, cảnh giác trong các mối quan hệ cá nhân, khi có biểu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng  tới cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời – Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.