Lên phương án khai quật tàu có khả năng chở nhiều cổ vật đắm tại biển Dung Quất

ANTD.VN -Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về Phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Lên phương án khai quật tàu có khả năng chở nhiều cổ vật đắm tại biển Dung Quất ảnh 1

Chuyên gia khảo sát thực địa khu vực phát hiện tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh nội dung và dự toán Phương án khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi theo đúng quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5-3-2018 và Nghị định số 5/2017/NĐ-CP ngày 16-1-2017, trong đó bao gồm cả nội dung chi cho công tác bảo vệ an ninh hiện trường và chi khen thưởng các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Phương án khai quật theo thẩm quyền; thẩm định dự toán Phương án khai quật và đề xuất về phương án tài chính gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai quật theo Phương án được duyệt; bảo đảm khẩn trương, đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổ chức thẩm định dự toán Phương án thăm dò, khai quật và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung kinh phí thực hiện theo quy định.

Trước đó, tháng 7-2017, khi thi công nạo vét, thông luồng cảng biển và luồng quay tàu ở cảng Hào Hưng thuộc địa phận thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn), Khu kinh tế Dung Quất, đơn vị thi công phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ dưới biển. Các chuyên gia nhận định số hiện vật gốm sứ này thuộc thời nhà Minh, niên đại thế kỷ XVI, chìm dưới biển sâu 9 m. Nhiều khả năng tàu chở cổ vật gốm sứ đi qua vùng biển Quảng Ngãi thì gặp nạn, đắm nơi đây.

Tiến sĩ Ðoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, nhận định nhiều thế kỷ trước, các đoàn tàu của thương gia phương Bắc trên đường hành trình về phương Nam, mỗi khi họ gặp gió bão thường ghé vào vùng biển Quảng Ngãi neo đậu, trao đổi mua bán, tiếp tế lương thực, nước ngọt…

Được biết, không chỉ Bình Sơn, vùng biển Bình Châu từ lâu cũng nổi danh là "nghĩa địa tàu cổ đắm". Giới khảo cổ cho hay các tàu nằm lại nơi đây đều bị cháy trước khi chìm. Có thể do thủy thủ sơ ý gây hỏa hoạn hoặc do cướp biển tấn công.