Lên án đối tượng quấy rối tình dục, dâm ô trẻ em thế nào cho đúng luật?

ANTD.VN -Thời gian qua, dư luận xôn xao trước những vụ quấy rối tình dục, ấu dâm trẻ em diễn ra liên tiếp tại nhiều địa phương. Do bức xúc về hành vi bỉ ổi của những đối tượng này, nhiều người dân đã in phát tờ rơi, đề can trên đó có in ảnh đối tượng kèm theo lời cảnh báo dán lên thang máy, chung cư, các cửa hàng, thậm chí cả trên ô tô, xe máy, nhà đối tượng…Dù có lý do chính đáng, song nếu hành vi này trở nên quá khích là vi phạm pháp luật.

Lên án là cần thiết nhưng phải đúng luật

Sau vụ việc Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn một nữ sinh trong thang máy tại chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội nhưng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng, nhiều người dân phẫn nộ vì cho rằng chế tài xử lý quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Họ cũng bày tỏ quan điểm, khi quy định của nhà nước yếu, không phù hợp với thực tiễn thì các quy phạm về đạo đức sẽ điều chỉnh. Do đó, cư dân tại khu vực đã in ảnh, bêu tên đối tượng này trong thang máy và một số khu vực trong tòa nhà, thậm chí không ít người còn đồng loạt chế ảnh của Vũ Mạnh Hùng đưa lên mạng xã hội với những lời lẽ mang tính châm biếm, thóa mạ.

Đối tượng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ đối với cháu bé trong thang máy 

Còn với vụ cựu Viện phó Viện KSND TP. Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục một cháu bé trong thang máy tại TP.HCM, hiện đối tượng này đã bị khởi tố về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Do đối tượng đã từng làm luật nên hành vi của hắn là vô cùng bỉ ổi, đáng bị khinh bỉ và cần bị lên án.

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ tâm lý, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, việc bêu tên đối tượng quấy rối tình dục bằng cách dán hình ảnh trên thang máy, trên xe, nơi công cộng, thậm chí trước cổng nhà đối tượng là điều dễ hiểu. Nó cho thấy cộng đồng mạng và cả ngoài đời thực đã có những động thái gay gắt thể hiện quan điểm quyết không nương tay đối với đối tượng dâm ô, xâm hại trẻ em, quấy rối tình dục. Nó tạo ra những hiệu ứng tích cực về sự đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực trong xã hội.

Tuy vậy, ở một góc độ khác, việc làm này có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường. Hành vi sai phạm của đối tượng vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội, đã bị cơ quan chức năng xử phạt công khai, thậm chí bị khởi tố hình sự. Đối tượng vi phạm sẽ phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Do đó, việc bêu hình ảnh người xấu, việc xấu một cách quá khích ở khắp nơi, từ nơi họ ở đến nơi họ làm việc, trên phương tiện giao thông, trên mạng xã hội có thể tác động tiêu cực đến người thân của những đối tượng vi phạm. Cha mẹ, vợ con của đối tượng này sẽ phải tiếp tục sống ra sao khi hàng ngày đi đến đâu cũng thấy hình ảnh con mình, chồng, cha mình bị bêu riếu, ném đá?

Không ai có quyền tuyên người khác có tội, trừ Tòa án

Về góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW phân tích, việc phản đối, lên án, cảnh báo đối tượng xấu, đặc biệt là đối tượng có hành vi quấy rối tình dục là điều nên làm, song phải có chừng mực và đúng quy định.

 Chỉ có tòa án mới có quyền tuyên ai đó là có tội dựa trên các quy định hiện hành. Mỗi cá nhân không thể làm thay chức năng, nhiệm vụ của tòa án. Khi tòa án chưa tuyên, bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì chưa thể khẳng định bị can là có tội. Do đó, thay vì nhân danh bảo vệ công lý để kết tội người khác, lấy cái sai này lên án cái sai khác, mỗi người dân cần bình tĩnh, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh đó, BLHS hiện hành không quy định quấy rối tình dục là tội phạm. Những người có hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Hiến pháp 2013 cũng ghi rõ, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

Do vậy, bất cứ cá nhân nào trước khi đăng hình ảnh hoặc thông tin về người khác cần tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính, bồi thường, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 BLHS 2015 về Tội làm nhục người khác – Luật sư Thanh Hà phân tích.

"Để tránh đẩy mình vào vòng lao lý, trước những vụ việc tiêu cực, nếu phát hiện pháp luật còn nhiều bất cập, quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng có sai sót, người dân cần kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi quấy rối tình dục, đảm bảo mọi đối tượng vi phạm phải bị trừng phạt thích đáng" - Luật sư Thanh Hà khuyến cáo.