Lao động phi chính thức đang bị bỏ quên trong chính sách

ANTD.VN - Hầu hết lao động phi chính thức làm việc không có hợp đồng lao động, không có tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích khi xảy ra tai nạn hay tranh chấp.

Lao động phi chính thức là vấn đề lớn cần quan tâm hơn, bởi phần lớn nhóm này tập trung nhiều ở khu vực nông thôn và đang đối mặt với nhiều thiệt thòi, bất lợi so với lao động chính thức.

Theo ý kiến của cử tri TP. Đà Nẵng, lĩnh vực lao động phi chính thức của cả nước chiếm đến 70%, tuy nhiên chưa có văn bản luật nào trực tiếp điều chỉnh nhóm đối tượng này. Hiện mới chỉ có Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định về lao động là người giúp việc gia đình.

Do đó, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành luật về quản lý lao động trong các lĩnh vực phi chính thức.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đã đề xuất nội dung trên vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động được đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động. Về đối tượng điều chỉnh sẽ mở rộng đến lực lượng lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số (ví dụ người lao động làm việc cho các công ty công nghệ như: Uber, Grab...), lao động làm việc cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng dưới 10 lao động.