Lan truyền thông tin xấu độc trên mạng xã hội, trách nhiệm của Facebook như thế nào?

ANTD.VN - Hiện nay, trên Facebook, đang tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.

Thông tin xấu độc tràn lan, Facebook không gỡ bỏ

Lan truyền nhiều thông tin xấu độc, bôi nhọ

Theo nhận định của cơ quan chức năng của Việt Nam, Facebook đang không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các Fanpage có những hoạt động kích động chống phá Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan chức năng. 

Hiện nay, trên Facebook, đang tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.

Đáng nói, những nội dung sai sự thật và xuyên tạc này được tung ra và lan truyền theo từng đợt từng dịp, rất nhiều tổ chức phản động... đã lợi dụng mạng xã hội Facebook để bôi nhọ, nói xấu với mục đích chính trị. Những nội dung đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013 của Chính phủ và Thông tư 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Các cơ quan quản lý đã liên tục gửi công văn, email nhiều lần yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung xuyên tạc, sai lệch. Thế nhưng, mạng xã hội này liên tục trì hoãn, thậm chí không gỡ bỏ với lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Mạng xã hội này cũng không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh.

Mức độ lan truyền của những thông tin xấu độc, không được kiểm chứng trên Facebook rất khủng khiếp. Theo dõi cho thấy, Facebook có gỡ một số lượng nhỏ những thông tin dạng này nhưng thời gian rất dài, khoảng vài tháng hoặc cả năm. Khi đó, việc gỡ bỏ những thông tin này đã không còn giá trị.

Facebook cố tình vi phạm?

Lý giải về tình trạng trên, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: “Những Fanpage, tài khoản có tính chất kích động, chống phá nói trên sẽ không chấm dứt việc đưa thông tin không được kiểm chứng nhằm đạt được mục đích xấu của mình. Người dân cần phân biệt, cảnh giác với những đối tượng lợi dụng mạng xã hội để cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật”.

Theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, các hành vi bị cấm là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Khoản 2, Điều 5, Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định, khi phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam; đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TT-TT.

Thông tư 38 cũng quy định, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bộ TT-TT (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử có địa chỉ report38@mic.gov.vn trong thời gian 3 (ba) giờ kể từ khi phát hiện nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP;

Triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực thi các quy định tại Điều 5 Thông tư này theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 3 (ba) giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Cơ quan chức năng Việt Nam cho rằng, Facebook hoạt động tại Việt Nam, nhưng đã không tuân thủ các quy định này, dung túng cho nội dung vi phạm, không gỡ bỏ, cũng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thông tin xấu độc, không đặt đại diện tại Việt Nam. Phải chăng, Facebook đang cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam?