Lần đầu tiên Hà Nội đào tạo song bằng tiếng Anh, học phí 5,6 triệu đồng/tháng

ANTD.VN - Lần đầu tiên Hà Nội thí điểm đào tạo song bằng tiếng Anh tại 7 trường THCS công lập nhưng nhiều phụ huynh cho biết, họ có quá ít thông tin về chương trình này để yên tâm cho con tham gia.

Áp lực học song song 2 chương trình

Ngày 31-5-2018, phụ huynh học sinh có nhu cầu tham gia tuyển sinh lớp song bằng tiếng Anh tại 7 trường THCS công lập của Hà Nội sẽ nhận và nộp đơn đăng ký nguyện vọng tại cơ sở giáo dục nơi con em mình học lớp 5 tiểu học. Mỗi em được đăng ký hai trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2. 

Để được xét tuyển, ngày 20-6, học sinh sẽ làm bài kiểm tra tiếng Anh với 45 phút phần viết và 30 phút phần nghe và kiểm tra môn Toán bằng tiếng Anh, thời gian 60 phút. 

Chị Nguyễn Minh Hà, phụ huynh học sinh trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông cho biết, với thông tin hiện nay chị nắm được, khó có thể hình dung con mình sẽ học những gì tại trường THCS, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp từ tiểu học lên THCS sẽ gặp không ít khó khăn.

“Tôi được biết, mỗi trường sẽ tuyển 2 lớp với 25 học sinh/lớp, khá lý tưởng đối với trường công lập. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là cùng một lúc học 2 chương trình tiếng Anh và tiếng Việt thì áp lực chắc chắn sẽ khá lớn. Trong khi đó, thông tin về nội dung chi tiết các môn học theo chương trình song bằng lại chưa được ngành giáo dục đề cập đến” - chị Minh Hà thắc mắc.

Trường công ở Hà Nội đẩy mạnh dạy tiếng Anh với mục tiêu thực hiện song song 2 bằng từ THCS

Hiện tại, theo thông tin từ Sở GD& ĐT Hà Nội, chương trình song bằng sẽ triển khai đồng thời với chương trình phổ thông hiện hành của Việt Nam, kết hợp với IGCSE là chương trình giáo dục quốc tế phổ biến nhất dành cho học sinh từ 14 đến 16 tuổi, với hơn 70 môn học để học sinh lựa chọn. Học sinh sẽ phải học ít nhất 5 môn học bằng tiếng Anh để có thể thi và đạt chứng chỉ chương trình này.

Hiện tại, ở Hà Nội, mới chỉ có duy nhất trường THPT Chu Văn An (Tây Hồ) triển khai đào tạo song bằng tiếng Anh Cambridge. Một học sinh theo học chương trình này của trường THPT Chu Văn An chia sẻ, khó khăn đối với học sinh Việt Nam khi tham gia chương trình quốc tế là phương pháp học cũng như các hình thức đánh giá, kiểm tra khác biệt.

Học sinh bên cạnh việc bắt buộc phải tăng số tiết trong tuần lên 20 tiết để học thêm 5 môn tiếng Anh chương trình Cambridge thì phải đáp ứng yêu cầu về tăng cường tự học, tự nghiên cứu khi chương trình yêu cầu cao về kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn.

Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An chia sẻ, mô hình song bằng của trường có 2 lớp với tổng số 49 học sinh. Thực tế triển khai cho thấy, học sinh cần có thời gian làm quen với yêu cầu của chương trình. Trong quá trình triển khai, có 2 học sinh không đáp ứng được yêu cầu chương trình nên nhà trường phải bồi dưỡng thêm 3 tháng để bắt nhịp được tiến độ chung. 

Nên giảm tải nội dung trùng lắp

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm khẳng định, việc đưa chương trình quốc tế vào trường học trong nước là con đường ngắn nhất để tiếp cận những tinh hoa của giáo dục thế giới.

Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh sẽ phải đối mặt với khó khăn nếu không mạnh dạn giảm tải một số nội dung chương trình trùng lắp giữa chương trình trong nước và quốc tế. “Nếu không thể tích hợp được 2 chương trình này thì sẽ rất nặng cho học sinh vì để theo được chương trình này, trường chúng tôi phải dành 11-12 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh chưa kể các môn học khác.

Được biết, đối với học sinh THCS theo học chương trình song bằng của Hà Nội năm học 2018-2019, học sinh sẽ phải học 16 tiết/tuần, tức là bắt buộc học 2 buổi/ngày. Ngoài chương trình hiện hành theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, học sinh sẽ phải học thêm tiếng Anh tăng cường, tin học, toán, khoa học bằng tiếng Anh.

Đây là điều khiến nhiều phụ huynh học sinh phải cân nhắc kỹ bởi phải phù hợp với năng lực của con mình, đặc biệt là trình độ tiếng Anh phải phù hợp thì mới có thể theo học cùng một lúc 2 chương trình.

Nói về việc tích hợp để giảm tải cho học sinh học chương trình song bằng, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD& ĐT Hà Nội đánh giá, đây là công việc cần thiết để học sinh vẫn đảm bảo nội dung kiến thức 2 chương trình nhưng vẫn còn thời gian để học sinh tự học. Do đó, Sở GD& ĐT Hà Nội sẽ nghiên cứu để đưa ra giải pháp phù hợp; đồng thời đưa ra mức học phí ưu đãi cho học sinh theo học chương trình này.

“Với sự hỗ trợ của Thành phố dành cho 7 trường THCS công và 2 trường THPT, mức học phí chênh nhau rất lớn. Hiện học phí ở bậc THPT là 7,5 triệu/tháng, một khoá học 24 tháng sẽ mất chi phí 180 triệu đồng/học sinh để lấy chứng chỉ A Level.

Trong khi đó, với trường quốc tế, mức học phí phải là 320-400 triệu/năm, chưa nói đến học ở nước ngoài. Cấp THCS đang xây dựng đề án dự kiến 5,6 triệu/tháng. Đây là một trong những quyền lợi đáng kể mà học sinh Hà Nội được thụ hưởng từ chương trình này.