Làm sao để phát huy hiệu quả hầm và cầu vượt bộ hành?

(ANTĐ) - Hầm, cầu vượt bộ hành đã không còn xa lạ với người tham gia giao thông Hà Nội và các thành phố lớn. Không thể phủ nhận những tác dụng của hầm và cầu bộ hành trong điều kiện mật độ giao thông lớn như hiện nay, song làm thế nào để chúng phát huy hết hiệu quả vẫn là câu hỏi lớn.

Làm sao để phát huy hiệu quả hầm và cầu vượt bộ hành?

(ANTĐ) - Hầm, cầu vượt bộ hành đã không còn xa lạ với người tham gia giao thông Hà Nội và các thành phố lớn. Không thể phủ nhận những tác dụng của hầm và cầu bộ hành trong điều kiện mật độ giao thông lớn như hiện nay, song làm thế nào để chúng phát huy hết hiệu quả vẫn là câu hỏi lớn.

Đã có không ít ý kiến về sự “chưa hiệu quả” của hầm, cầu bộ hành. Chúng tôi đã thử khảo sát một số địa điểm để kiểm chứng lại những thông tin đó. Có mặt tại hầm bộ hành Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm (17 giờ). Hầm khá khang trang và sạch sẽ. Hệ thống đèn được bật sáng, hai làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp đều được quét dọn, hầm có hệ thống máy bơm thoát nước và camera giám sát an ninh. Đây được đánh giá là hầm bộ hành khang trang nhất được bàn giao vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, số người đi bộ và xe đạp có nhu cầu qua đường thực sự chọn đi bằng đường hầm vẫn không nhiều. Vào giờ này, người đi lại khá tấp nập, nhưng phần lớn là các bậc trung niên và cụ già đi… tập thể dục. Giờ tan học thì có vài nhóm học sinh đạp xe qua, một vài người đi bộ qua hầm lần đầu vẫn phải dừng lại hỏi đường. Một cụ già đang đi bộ thể dục thấy người lạ đi qua thì cảnh báo: “Cô có túi xách, trang sức thì đừng đi qua đây lúc vắng người, có cướp đấy. Ở đây cũng đã xảy ra mấy vụ rồi“. Không biết lời cảnh báo của cụ có bao nhiêu phần trăm sự thật, song chúng tôi cũng cảm thấy bất an, vì nếu không vào giờ tập thể dục thì số người qua lại hầm khá vắng, lực lượng an ninh còn mỏng. Mặc dù có hệ thống camera giám sát nhưng chiều dài của hầm những 500m, nếu có vụ việc thì nhân viên bảo vệ cũng khó xử lý kịp. Chủ cửa hàng thiếp cưới Lan Anh trên phố Tây Sơn, giáp cửa hầm cho hay: Hầm bộ hành Ngã Tư Sở đa số được người dân sử dụng vào mục đích tập thể dục hoặc vui chơi của trẻ em. Người đi bộ thường vẫn có thói quen băng ngang qua đường vì so với đi dưới hầm ngắn hơn nhiều. Người lạ thì nhiều người vẫn e dè và phần nữa chưa quen với “sơ đồ” của hầm.

Tại các hầm đi bộ khu vực đường Phạm Hùng (thuộc Dự án đường vành đai 3), tình trạng còn “eo xèo” hơn. Trong số 6 hầm đã hoàn thiện thì chỉ 4 hầm hoạt động, còn lại 2 hầm do sự cố rò nước hiện vẫn đang tạm đóng cửa. 2 hầm trên đường Khuất Duy Tiến đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ bàn giao vào đầu năm tới xong đã bị một số người dân tận dụng vì các mục đích riêng như bán nước, bán hàng ăn, sinh hoạt... Mặc dù mật độ giao thông trên đường Phạm Hùng tương đối cao, đa phần là các xe có trọng tải và đi với vận tốc lớn, nguy hiểm luôn rình rập người đi bộ qua đường nhưng vẫn rất nhiều người chọn giải pháp băng qua mặt đường. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh (Phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội) thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức của người dân, cộng với việc tại khu vực này, dân cư còn thưa thớt. Dự án đường vành đai 3 hiện chưa được hoàn thiện, nên các hầm bộ hành mới chỉ được tạm bàn giao, Sở GTVT Hà Nội chưa quản lý hệ thống hầm này. Còn ông Nguyễn Tiến Lộc, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các hầm đường bộ trên đường vành đai 3 cũng cho biết: Thực tế thì cũng đã có những hiện tượng xâm phạm đến hầm đường bộ như người qua hầm gây mất vệ sinh hay đập phá gạch, đánh nhau, thậm chí có hiện tượng các đối tượng tụ tập tại đây để hút, chích ma túy... Tuy nhiên do lực lượng làm công tác bảo vệ còn mỏng nên chưa khắc phục triệt để được hiện tượng trên.

Tại các cầu vượt bộ hành, tình trạng có vẻ khả quan hơn. Cả thành phố Hà Nội hiện có 4 cầu vượt dành cho người đi bộ được đưa vào sử dụng, đó là các cầu ở đường Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Trường ĐH Giao thông vận tải và ở đường Nguyễn Văn Cừ. Đây là các điểm có lưu lượng giao thông lớn nên cầu bộ hành đã thu hút được khá nhiều người qua đường, giảm đáng kể nguy cơ tai nạn cho người đi bộ và ách tắc giao thông các khu vực này. Sắp tới, Hà Nội sẽ có thêm hơn 21 cây cầu vượt bộ hành (18 cầu do Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư và 3 cầu sắp được bàn giao do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư). Trong điều kiện giao thông hiện nay, hầm và cầu vượt bộ hành là giải pháp cần thiết, song cũng cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, nâng cao ý thức của người dân để chúng phát huy tối đa hiệu quả.

Yên Hà

Một số kiến nghị

Tác dụng của hầm và cầu bộ hành thì ai cũng biết: Góp phần tạo điều kiện cho người đi bộ qua đường, giảm tai nạn giao thông... Mỗi hình thức có một ưu thế riêng: Cầu vượt thì đầu tư ít hơn, xây dựng nhanh hơn, hiện đang phát huy nhiều hiệu quả hơn nhưng do làm trên cao nên sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị; Hầm chui không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan kiến trúc, thông thoáng nhưng chi phí lại cao. Nhưng vấn đề quan trọng vẫn là chúng có phát huy hiệu quả không.

Hiện nay, ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân còn kém, nhiều người vẫn băng qua đường gây nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện lưu thông trên đường. Cá nhân tôi đề xuất một số giải pháp: Chẳng hạn dùng giải pháp cưỡng bức, xây dựng rào chắn tại dải phân cách cao lên để người đi bộ không băng qua được; Hay tình trạng thiếu an toàn trong các hầm bộ hành thì có thể làm tương tự như nước ngoài: khi thiết kế có thể xây dựng một số khu vực để làm dịch vụ trong lòng hầm, làm cho hầm đông đúc hơn, giúp người qua đường yên tâm. Hầm khi bàn giao phải thẩm định chặt chẽ, chỉ rõ trách nhiệm các đơn vị, tránh hiện tượng xuống cấp như một số hầm thời gian qua.

PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình, Trưởng bộ môn Đường bộ (ĐH Giao thông vận tải Hà Nội)

Công tác quản lý còn nhiều khó khăn

Nhiệm vụ của đơn vị quản lý các hầm đường bộ là đảm bảo vấn đề an ninh, vệ sinh và cấp điện cho các hầm này. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý hệ thống hầm bộ hành trên đường vành đai 3, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Đầu tiên là 2 hầm trên đường Phạm Hùng đang bị hỏng hóc, mưa bị thấm nước. Đây là lỗi do khâu thi công, chúng tôi đã liên hệ với nhà thầu. Tuy nhiên, do toàn bộ lòng hầm đã đổ bê tông liền khối và ốp gạch nên họ cũng chưa xác định được nguyên nhân mà mới chỉ phán đoán để tiến hành khắc phục.

Công tác đảm bảo an ninh trong hầm cũng còn nhiều khó khăn do an ninh khu vực này rất kém. Mỗi hầm chúng tôi cũng chỉ có 1 nhân viên bảo vệ cho một hầm hơn 100m. Bản thân anh em cũng gặp khó khăn, chẳng hạn không có chỗ để xe máy nên phải để ở đầu hầm này, khi đi tuần sang đầu bên kia cũng sợ bị kẻ gian lấy mất. Hay một số người do thiếu ý thức nên có đập phá làm vỡ gạch lát nền, vứt rác bẩn... Đôi khi có tệ nạn như đánh nhau, hút chích ma túy nhưng chúng tôi cũng đã can thiệp, hạn chế.  Đến thời điểm này chưa xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng, an ninh dưới hầm nói chung đã được đảm bảo hơn.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty cổ phần  Công trình giao thông 2 Hà Nội

Cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân

Trên địa bàn phường Ngã Tư Sở có hầm dành cho người đi bộ và người dân cũng đã khá quen với con đường này khi xác định phương hướng. Chúng tôi thấy hầm hoạt động khá hiệu quả, tai nạn giao thông cho người đi bộ qua đường giảm đáng kể. Buổi tối, người dân đi bộ trong hầm và nó trở thành nơi lý tưởng để tập thể dục. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra hầm cho người đi bộ và thấy rất sạch sẽ mát mẻ, không có chuyện sử dụng làm nơi buôn bán gây mất vệ sinh và mất trật tự. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, người dân vẫn chưa thực sự coi hầm đường bộ như một đường giao thông, nhiều người vẫn giữ thói quen sang đường trên mặt đất mà không đi dưới hầm dành cho mình. Một số người dân từ các tỉnh khác về khi đi qua Ngã Tư Sở vẫn chưa biết đến sự có mặt của hầm dành cho người đi bộ và họ vẫn đi bộ bằng những con đường trên mặt đất. Và để những hầm đường bộ này phát huy tính hiệu quả của nó thì cần tuyên truyền hơn nữa để người dân biết về lợi ích của việc sang đường bằng hầm đường bộ, nhằm thay đổi một thói quen từ nhiều năm nay là sang đường tùy tiện và không sử dụng hầm dành cho người đi bộ, đồng thời giảm ách tắc giao thông cho khu vực này.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, HN