Làm sao để chữa khỏi tật nghiến răng?

ANTĐ - Hỏi: Tôi năm nay 25 tuổi, nữ. Từ nhỏ tôi đã bị nghiến răng và đến giờ vẫn bị nghiến răng khi ngủ. Xin hỏi bác sĩ có cách nào điều trị hiệu quả không?

Trả lời: Tật nghiến răng là hiện tượng nghiến hoặc siết chặt một cách quá mức của hai hàm răng làm phát ra tiếng kêu ken két trong khi đang ngủ. Nghiến răng không phải là bệnh nặng nhưng gây ảnh hưởng cho người xung quanh và cho bản thân. Nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiến răng này cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Có một số nguyên nhân chính liên quan đến tật nghiến răng:

- Do các răng hàm trên và hàm dưới mọc lệch làm răng không được thẳng hàng, không khít khi khép 2 hàm răng cho nên chỗ tiếp xúc giữa 2 hàm răng không tốt, không ăn khớp làm cho khó chịu. Theo phản xạ 2 hàm răng sẽ có xu hướng cọ sát vào nhau, nghiến chặt lại.

- Stress: khi cảm thấy lo âu, căng thẳng, kích động… cũng làm cho bị nghiến răng (đây là phản ứng đối với stress).

- Có thể do tác dụng phụ của một số thuốc…

Khi nghiến răng mạnh và nhiều có thể làm cho em bị đau nhức đầu, rối loạn cơ khớp thái dương hàm, đau tai, có thể bị gãy răng…  Nếu em bị nghiến răng mãn tính sẽ rất có hại cho răng và cơ hàm như sâu răng, gãy răng và nghiêm trọng hơn là có thể gây biến đổi hình dạng khuôn mặt.

Vì vậy, em nên đi khám chuyên khoa răng - hàm - mặt để bác sĩ kiểm tra xem răng của em có bị mòn không, đánh giá tình trạng của khớp cắn của em. Nếu có thể bác sĩ sẽ mài những điểm cộm của răng, mài chỉnh để các răng ăn khớp với nhau hoặc làm một máng nhựa mềm để mang trong miệng khi ngủ nhằm ngăn chặn hiện tượng mòn răng, nứt hoặc gãy răng…

Nếu nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc thì ngừng hoặc đổi thuốc. Hiện tại, nhiều bệnh nhân bị nghiến răng được khuyên đeo máng nhai. Tuy nhiên ngoài việc đeo máng nhai, bạn nên thư giãn càng nhiều càng tốt như tắm nước nóng buổi tối, trước khi ngủ uống sữa ấm, ngâm chân nước ấm, nghe nhạc thư giãn để tinh thần thoải mái.

BS Nguyễn Vân Anh, Phòng khám Đa khoa Hải Việt