Làm gì để lưu giữ hương vị Tết cổ truyền?

Cuộc sống tiện ích, hiện đại càng khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Cũng là đón Tết, nhưng cái Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều, khi người ta bỏ tiền ra là có thể mua tất cả những gì mình muốn. Thậm chí, những món ăn ngày Tết cũng không còn là đặc biệt nữa khi ngày thường chúng ta vẫn có thể thưởng thức trong các nhà hàng đặc sản.

Làm gì để lưu giữ hương vị Tết cổ truyền?

Cuộc sống tiện ích, hiện đại càng khiến con người xa dần với những giá trị truyền thống, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Cũng là đón Tết, nhưng cái Tết bây giờ đơn giản hơn nhiều, khi người ta bỏ tiền ra là có thể mua tất cả những gì mình muốn. Thậm chí, những món ăn ngày Tết cũng không còn là đặc biệt nữa khi ngày thường chúng ta vẫn có thể thưởng thức trong các nhà hàng đặc sản.

Hầu hết những người chúng tôi gặp gỡ, trao đổi trong diễn đàn này đều hoài niệm về những cái Tết của một thời khốn khó. Vất vả, thiếu thốn nhưng Tết đến bao giờ cũng là một sự kiện vô cùng đáng nhớ. Vào những ngày đó, họ không chỉ tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà mà còn là cái Tết sum vầy, đoàn tụ, gắn kết chặt chẽ mọi thành viên để cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Cũng là mâm cỗ Tết, là bánh chưng xanh, câu đối đỏ... nhưng hình như nó được nâng niu, trân trọng hơn, bởi đó là những giá trị của cội nguồn khắc sâu trong tâm khảm của tất cả những người con đất Việt.

Níu giữ những giá trị đó là điều không phải bắt buộc, nhưng nên làm, vì đó chính là văn hóa, là khởi nguồn cho mọi sức mạnh của một dân tộc trải dài theo tiến trình lịch sử, không chỉ hôm nay mà cả mai sau. Đó cũng là điều mà các bạn trẻ hôm nay cần phải biết và coi nó như một thứ hành trang cho cuộc đời mình để những giá trị đó luôn được tiếp nối, trường tồn.

Nhóm PV Ban Cuối tuần

Không nệ cổ, nhưng không rũ bỏ truyền thống

Tết giờ đã khác xưa, nhiều phong tục cũ không còn, thêm nhiều phong tục mới. Trước đây Tết là Tết của gia đình, 3 ngày Tết người ta thường ở nhà và đi thăm hỏi ông bà, họ hàng, chỉ có ông già, bà cả đi chúc Tết hàng xóm láng giềng. Nay Tết mang tính chất cộng đồng rõ nét, 30 Tết người Hà Nội lại tập trung nhau ở hồ Hoàn Kiếm, thanh niên đến nhà nhau chơi, các gia đình cũng đi chơi, thậm chí đi du lịch nước ngoài.

Việc tự gói bánh, làm giò chả, làm mứt... hầu như không còn nữa, phần do điều kiện nhà cửa chật chội, hàng hóa lại rất sẵn;  phần do văn hóa đã thay đổi, xưa là “ăn Tết”, nay “chơi Tết” mới là quan trọng. Các cháu gái vì thế cũng có phần thiệt thòi về văn hóa, nhiều cháu hổng về nội trợ, nữ công gia chánh. Nói tiếc thì e người ta bảo mình cổ hủ, vì bây giờ thời đại công nghiệp, kinh tế thị trường, thời gian quý lắm, người ta dành để làm nhiều việc khác. Nhưng theo tôi, vẫn cần phải giữ lại một số nét truyền thống như:

Tục lệ thờ cúng tổ tiên. Mỗi dịp Tết con cháu phải về nhà trưởng họ lễ bái ông bà, cũng là lúc kiểm điểm lại những việc được và chưa được của mỗi người, của dòng họ, tất nhiên không nhất thiết phải nệ cổ như trước. Mỗi người làm mới mình, mới xã hội mỗi khi năm mới đến, những chuyện cũ, những chuyện không tốt đẹp, mọi thù oán bỏ đi, đón nhận những cái mới...

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Kinh tế càng lên cao văn hóa càng mai một

Nếu như ngày xưa, mất đến vài tháng để sắm Tết, để dành các thứ thì giờ đây chỉ cần 3 giờ đồng hồ đi siêu thị là có thể đầy đủ tất cả mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày Tết. Đó thực sự là một niềm hạnh phúc, niềm vui của người dân, nhưng một điều đáng tiếc là cùng với sự phát triển của kinh tế thì các nét đẹp văn hóa đã mai một đi rất nhiều.

Nhiều phong tục tốt đẹp đang mất đi và thay đó là nhiều phong tục xa lạ. Nhiều người cho rằng giờ không còn khái niệm ăn Tết mà là chơi Tết. Người ta lo lắng thiếu một bộ quần áo đẹp để diện Tết hơn là làm thế nào để có những bữa cơm ngon đậm hương vị truyền thống ngày xuân.

Thậm chí nhiều người còn lãng quên cả phong tục tình cảm đó là đến nhà nhau chúc xuân với nhiều điều tốt đẹp bởi sợ một sự thiếu lành mạnh. Với góc độ một người nghiên cứu văn hóa đã nhiều năm tôi thấy thật khó có cách nào đó lưu giữ lại hương vị Tết cổ truyền xưa, nhưng tôi cũng mong những phong tục tập quán tốt đẹp không bị biến tướng, được phục hồi và giữ để thế hệ mai sau luôn tiếp nối truyền thống của dân tộc có từ hàng nghìn năm qua.

Nhà văn Băng Sơn

Cần hướng dẫn để người trẻ biết về Tết cổ truyền

Tôi không nói hương vị ngày Tết đối với người dân Việt Nam nói chung và ở thành thị nói riêng bị mai một, mà dường như ngày Tết đã không còn giữ được hình dạng cũ của nó. Do sự phát triển của đô thị, Internet, game show… được “sinh ra” hàng loạt đã làm phân tán sự tập trung của giới trẻ dành cho ngày Tết cổ truyền. Việc giáo dục nền nếp sinh hoạt cho thanh thiếu niên của nhà trường và gia đình cũng đang bị xao nhãng.

Đứng trên góc độ của một nhà văn thì tôi thấy rất cần thiết phải có những ấn phẩm để tuyên truyền hình ảnh, hướng các em đến Tết xưa độc đáo tưởng như nhỏ nhặt mà đầy văn hóa, khoa học và lễ tiết như : Rửa mặt nước lá mùi trước giao thừa, khai bút, chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ sáng mồng một....

Vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học, Cung Văn hóa Thiếu nhi đã tổ chức những trò chơi dân gian như nặn tò he, dạy làm bánh chưng, bánh dày… đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng chưa thể đủ với các tầng lớp nhân dân. Theo tôi, muốn giữ được hương vị ngày Tết thì ngoài công tác tuyên truyền thường xuyên của ngành văn hóa thông tin, của đoàn thanh niên, nhà trường, thì điều quan trọng nhất vẫn là giữ được nền nếp gia đình.

Nhà báo Lê Tấn Hiển,

Biên tập viên Báo Hà Nội mới

Đã bị thất truyền

Tôi dám khẳng định rằng bây giờ hiếm tìm được những người phụ nữ biết và chăm lo gia đình theo kiểu người Hà Nội xưa. Từ văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực cho đến cách làm một mâm cơm ngày Tết hay thờ cúng gia tiên. Phụ nữ hiện đại nói thật chỉ biết hưởng thụ, thích ăn ngon mặc đẹp, đi chơi, đi du lịch chứ không thích đi chợ, vào bếp nấu nướng, bày biện. Phụ nữ Hà Nội xưa chăm chỉ lắm, nền nếp lắm. Còn bây giờ đã bị thất truyền.

Ngay cả những thế hệ làm mẹ giờ là 6X, 7X cũng còn chẳng biết cách chế biến các món ăn dân tộc truyền thống thì nói gì đến việc dạy con cái. Văn hóa ẩm thực không chỉ đơn giản là ra chợ mua thực phẩm về mà quan trọng là phải có cái “tâm” ở trong đó. Làm mâm cỗ thế nào để cúng tổ tiên 3 ngày Tết, cực kỳ quan trọng. Ngày xưa, hầu như ngày nào cũng làm cơm thắp hương cúng tổ tiên, sau đó con cháu mới được ăn chứ không như bây giờ may ra có ngày giỗ, sau này thì chẳng biết con cháu còn nhớ ngày giỗ bố mẹ nữa không.

Tất cả những giá trị truyền thống ấy có thể nói đang dần mai một đi mà chúng ta không có cách nào níu lại được. Vì vậy tôi đang mở lớp học không đơn thuần là dạy nấu ăn mà là dạy tinh hoa của người Hà Nội với hi vọng có thể truyền lại những nét đẹp của người Hà Nội xưa. Điều bất ngờ là không chỉ có những cô gái đi học mà có cả nam giới và những bà già 60 tuổi.

Nghệ nhân Phạm Ánh Tuyết,

25 Mã Mây, Hà Nội

Cần phải có khóa học bắt buộc

Tôi thấy bây giờ phụ nữ, đặc biệt là các bạn trẻ chỉ ham kiếm tiền mà không quan tâm lắm đến vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Người ta nói: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm nghĩa là người phụ nữ phải biết chăm lo bữa cơm gia đình hàng ngày sao cho cơm dẻo canh ngọt, rồi chuẩn bị những mâm cơm cúng giỗ, giao thừa, Tết nhất. Nhưng hiện nay, với cường độ làm việc cao, nhiều người phải làm đến 6, 7h tối mới về nên vội vàng mua thức ăn sẵn cho chồng con.

Ngày Tết cũng ra siêu thị xách bánh chưng, giò chả, canh măng… để sẵn tủ lạnh và đến bữa sắp lên cúng các cụ. Như thế đâu còn là ngày Tết nữa. Bao nhiêu năm trong nghề tôi thấy có gần đến 100% các bạn trẻ khi bắt đầu vào học không biết làm một mâm cơm đãi khách thế nào chứ chưa nói đến mâm cơm cúng gia tiên. Như vậy chứng tỏ có rất nhiều phụ nữ trẻ hiện nay không biết đến văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Họ không biết thì nói gì đến việc truyền lại cho con cháu.

Thạc sĩ Nguyễn Vân Anh,

Giảng viên trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội

Hướng về tổ tiên với những xúc cảm tốt lành

Thực tế đã cho thấy người phụ nữ hiện đại ngày nay không bó buộc trong mỗi gia đình mà còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Xã hội đã phân công và mỗi người có nhiệm vụ của riêng mình. Tôi không bao biện khi mình không dành nhiều thời gian chăm lo cho cái Tết cổ truyền của chính gia đình mình, nhưng công việc đã khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian, trong khi đó thị trường lại luôn sẵn có.

Cũng đừng phản đối khi chúng tôi muốn đi du lịch vào những ngày Tết vì sống cùng gia đình trong suốt cả năm, tình cảm dành cho ông bà cha mẹ không khi nào giảm sút, ngày Tết cũng là những ngày nghỉ dài, đi để thư giãn cũng là giảm áp lực stress tốt nhất. Tôi tin rằng, cách lưu giữ ngày Tết tốt nhất không nhất thiết phải tự làm những món ăn ngày xuân, giữ gìn những phong tục cũ mà chính là trong tâm mỗi người, luôn hướng về tổ tiên với những xúc cảm tốt lành, chăm lo phụng dưỡng người thân yêu và các tục lệ đẹp không bị biến tướng bởi sự phát triển của kinh tế.

Mai Phương Thảo,

Nhân viên Ngân hàng Sacombank