Lạm dụng corticoid chữa bệnh xương khớp, có thể teo cơ

ANTĐ - Trong những ngày thời tiết giá lạnh kéo dài, bên cạnh bệnh lý về tim mạch, hô hấp, số bệnh nhân tới khám, điều trị các bệnh về cơ xương khớp tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh. Đáng chú ý, các bác sĩ cho biết,  ngày càng nhiều người mắc bệnh cơ xương khớp đến điều trị với biến chứng rất nặng như teo cơ, cứng khớp, hoại tử chi…

Lạm dụng corticoid chữa bệnh xương khớp, có thể teo cơ ảnh 1Người già dễ mắc các bệnh về cơ xương khớp (ảnh minh họa)

Nguy hiểm vì chữa bệnh tùy tiện

Được bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa khớp vai, đốt sống cổ từ cách đây vài năm, đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi dứt điểm nên cứ mỗi khi trái gió trở trời, anh Phạm Chí C., 45 tuổi (ở Đông Anh, Hà Nội) lại bị các cơn đau nhức khớp hành hạ rất khổ sở, khó chịu. Cuối tuần qua, anh C. đến Bệnh viện Xanh Pôn khám và ngay lập tức được chỉ định điều trị nội trú bởi tình trạng khá nặng: chỗ vết tiêm tại đốt sống cổ sưng to, nóng, đỏ, đau, sốt, có nguy cơ nhiễm trùng… Theo lời kể của bệnh nhân, vì nghĩ rằng thời tiết chuyển lạnh nên đau qua loa, anh chỉ tìm đến một thầy thuốc mở phòng khám tư gần nhà. 

“Những lần trước bị đau, tôi đều tìm đến vị thầy thuốc này và sau 3 ngày tiêm liên tục thì tình trạng đau giảm hẳn. Lần này, không hiểu sao, sau khi đã tiêm đủ 3 ngày mà không đỡ, chỗ khớp, nhất là quanh vết tiêm càng đau dữ dội hơn, sưng tấy nên dù trời lạnh tôi vẫn phải cố đến bệnh viện để khám xem sao. Các bác sĩ cho biết, tôi bị nhiễm trùng khớp do tiêm corticoid tùy tiện và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử, cứng khớp vĩnh viễn” - bệnh nhân Phạm Chí C. chia sẻ.

Theo bác sĩ Vương Trung Kiên - chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, hiện khá phổ biến tình trạng bệnh nhân cơ xương khớp, nhất là những người trung niên và cao tuổi, vì ngại đau, ngại khám, ngại điều trị kéo dài nên có thói quen tìm đến các loại thuốc giảm đau có chứa thành phần corticoid để giảm đau nhanh chóng. Những người sử dụng corticoid trong thời gian dài một cách tùy tiện khi bị bệnh thường nặng hơn và có diễn biến nhanh hơn so với những người bình thường. Theo đúng chỉ định, mỗi người bệnh chỉ được phép dùng corticoid tối đa 4 lần/năm. Các bác sĩ cảnh báo, tiêm vào ổ khớp là biện pháp điều trị hiệu quả cao và kinh tế nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp và được tiến hành ở phòng thủ thuật đủ điều kiện vô khuẩn, khử khuẩn. 

Đừng chủ quan, coi thường tính mạng

GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện E cho biết, bên cạnh đội ngũ bác sĩ được đào tạo đúng chuyên ngành cơ xương khớp, có kinh nghiệm lâu năm trong điều trị nội khoa, hiện đang công tác tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín thì còn không ít y sĩ không có nghiệp vụ chuyên ngành nhưng vẫn mở phòng khám tư và bệnh gì cũng chữa. Thực tế còn cả một số “lang băm” vì lợi nhuận, tự ý tiêm các loại thuốc Tây y tùy tiện vào ổ khớp, phổ biến nhất là tiêm corticoid. 

Việc tiêm các loại thuốc này có thể mang lại hiệu quả tức thì, giúp người bệnh thoái hóa khớp hay đau cơ xương khớp giảm đau lập tức nhưng nếu lạm dụng, sử dụng kéo dài sẽ rất nguy hại đến sức khỏe. “Theo quy định, không ai cấp phép hay cho phép tiêm bất cứ loại thuốc nào vào ổ khớp của người bệnh, nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các phòng khám tư. Đặc biệt, gần đây người ta còn tiêm vào ổ khớp người bệnh loại thuốc Kcort hay Kenacort, loại này thuộc nhóm thuốc corticoid có tác dụng tổng quát, tác dụng tại chỗ, chống dị ứng và chống sưng viêm. Đây là thuốc chỉ được dùng theo đơn bác sĩ vì có nhiều tác dụng phụ, nếu lạm dụng tiêm chất này vào ổ khớp người bệnh sẽ dẫn đến gây phù, giảm kali  trong máu, rối loạn giấc ngủ, nhất là còn gây loãng xương, teo cơ” - GS Trần Ngọc Ân nói.

Cũng theo GS Trần Ngọc Ân, ngoài việc siết chặt quản lý về hành nghề y dược, nhất là y dược tư nhân, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn để người dân biết và tránh lạm dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau “thần kỳ”, chữa bệnh xương khớp một cách tùy tiện như hiện nay.