Lái xe sau khi sử dụng bia rượu… những bản án "tử" không hẹn trước

ANTD.VN - Trong mỗi cuộc vui, bia rượu khiến tình cảm anh em, bạn bè trở nên gần gũi, thân mật hơn. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau những chén chú, chén anh đó là những bản án “tử” không hẹn trước. Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG có đến 40% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra. Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức phép, nhưng các vi phạm về trật tự ATGT, TNGT liên quan đến bia rượu vẫn gia tăng.

Như ANTĐ đưa tin, tối 20-10 bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12), điều khiển xe ô tô hiệu BMV lưu thông trên đường Điện Biên Phủ hướng từ trung tâm quận 1 về cầu Sài Gòn. Khi vừa đến nút giao thông Hàng Xanh, giáp ranh phường 21 và phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thì bất ngờ chiếc xe BMV đâm vào nhiều xe gắn máy đang dừng đèn đỏ phía trước.

Sau đó chiếc BMV tiếp tục lao về phía trước, đâm vào chiếc taxi của hãng Vinasun, lao thêm 5m nữa rồi mới dừng lại.

 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại ngã tư Hàng Xanh - TP.HCM

Vụ tai nạn làm 1 người phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người bị thương nằm trên đường. Khoảng 7 xe gắn máy văng tung tóe, bị hư hại, chiếc xe BMV và xe taxi bị hư hỏng phần đầu xe.

Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường, người lái xe BMV đã ngồi luôn trong xe và có dấu hiệu say xỉn. Tại cơ quan công an, khi lực lượng chức năng tiến hành đo nồng độ cồn bà Nga đã vượt quá mức cho phép 4 lần so với quy định.

Có thể thấy, hầu hết những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều bắt nguồn từ bia rượu. Do mất bình tĩnh, không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém nhiều người đã vô tình gieo những án “tử” không hẹn trước cho chính mình và cả những người tham gia giao thông. Điều đáng nói ở đây, đằng sau những vụ tai nạn ấy là những hậu quả nặng nề mà không gia đình nào mong muốn, mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái bơ vơ không nơi nương tựa…

Clip: Nhiều ca tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu (Nguồn TTXVN)

Đám cưới bỗng chốc thành đám tang

Trưa 25-1-2015, Thích điều khiển xe máy đi ăn đám hỏi người thân ở xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tại đây, Thích đã uống rất nhiều rượu.

Sau đó, đến chiều cùng ngày Thích điều khiển xe máy mang BKS 38N1-114.17 chở phía sau hai chị em ruột là chị Nguyễn Thị Thu Lý (18 tuổi) và em Nguyễn Thị Thu Hạnh (16 tuổi, cùng trú xóm 2, xã Thạch Đỉnh). Khi đi đến quốc lộ 15B (đoạn ngã ba xã Thạch Long đi Cảng Vũng Áng) thì đâm vào xe máy do chị Nguyễn Thị Thu Trang (18 tuổi, trú xã Thạch Đỉnh) điều khiển, chạy cùng chiều.

Cú đâm khiến xe máy của Thích ngã xuống đường làm chị Lý tử vong tại chỗ, em Hạnh bị thương nặng. Bản thân Thích cũng bị thương và xe máy cũng hư hỏng. Cơ quan công an huyện Thạch Hà đo nồng độ cồn trong hơi thở của Thích cho kết quả có nồng độ cồn rất cao với 0,953 miligam/lít khí thở.

Tài xế say rượu, ô tô kéo lê thiếu nữ 500m

Vào tối 20-1-2015, anh Nguyễn Trọng Cường (23 tuổi, ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) chở bạn gái là chị Nguyễn Thị N (25 tuổi, ở xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) đi dạo trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh hướng từ quảng trường Hồ Chí Minh ra phường quán Bàu.

Khi đến trước Khách sạn Lá Đỏ bất ngờ bị xe ôtô 7 chỗ do Nguyễn Xuân Phúc (30 tuổi, ở xã Nghi Phú, TP Vinh) điều khiển đi ngược chiều chạy lấn đường đâm vào.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm, nữ sinh bị kéo lê 500m

Cú va chạm làm cả hai người trên xe máy ngã xuống đường, anh Cường văng sang một bên bị thương nhẹ. Chị N và phương tiện bị ôtô cuốn vào gầm. Do lái xe say xỉn, hoảng loạn nên nhấn ga kéo lê cả người và phương tiện đi hơn 500m mới dừng lại.

Tại hiện trường, nạn nhân và xe nằm dưới gầm ôtô, máu chảy, trên cơ thể nhiều vết thương nặng. Sau khi cùng người dân đưa được cô gái ra ngoài, tài xế đã gọi xe đưa đi cấp cứu.

Tài xế container uống rượu, suýt gây tai nạn thảm khốc

Tối ngày 16-1-2015, xe container do tài xế Lê Quang Trinh (33 tuổi, trú huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) điều khiển, lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo về hướng vòng xoay phía nam TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Tài xế xe container có dấu hiệu sử dụng rượu bia

 Khi đến trước trụ sở Công an phường Lạc Đạo, container bất ngờ tông và ủi sập gần 15 m dải phân cách bằng sắt. Chưa chịu dừng lại, tài xế tiếp tục cho xe lấn sang làn đường của người đi xe máy.

Thấy vậy, nhiều người kêu gọi cho tài xế dừng lại nhưng xe container vẫn điên cuồng phóng tới. Do bức xúc, hàng chục người lấy xe máy rượt đuổi xe “điên”. Khi đến trước cây xăng số 4 (khu phố 6, phường Đức Long), cách trụ sở Công an phường Lạc Đạo khoảng 1 km, tài xế mới cho xe dừng lại khi bị nhiều người truy đuổi áp sát.

Lúc xuống xe, Trinh có dấu hiệu “phê”, tươi cười một cách thản thiên. Người dân tức giận lao vào đòi “xử” tài xế nhưng bị lực lượng chức năng ngăn cản. Nguyên nhân ban đầu xác định là do Trinh thiếu quan sát và sử dụng rượu bia trong lúc điều khiển phương tiện.

Giám đốc say rượu gây tai nạn liên hoàn

Ngày 18-6-2014, một chiếc ô tô 5 chỗ ngồi hiệu Camry BKS 17A-01546 do ông Phạm Anh Tuấn (53 tuổi, trú tại tổ 56, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình) điều khiển, lưu thông trên đường Lê Lợi, theo hướng từ Quảng trường 14-10 về Nhà văn hóa lao động tỉnh.

Đến gần khu vực ngã tư giao giữa đường Lê Lợi và Lê Quý Đôn, xe ô tô bất ngờ húc tung 4 xe máy chạy cùng chiều, lúc này các xe máy dừng đèn đỏ.

Chiếc xe Camry gây tai nạn liên hoàn tại Thái Bình

 Sau khi đâm 4 xe máy trên, chiếc ô tô chạy thêm một đoạn khoảng 40m và húc tiếp 3 xe máy nữa rồi mới dừng lại. Các nạn nhân bị xe húc văng ra, trong đó nặng nhất là anh Việt.

Tất cả nạn nhân bị thương được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Đa khoa TP Thái Bình.

Tại hiện trường, chiếc ô tô Camry bị nát bét phần đầu, 4 xe máy đều bị hư hỏng nặng.

Theo nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường, sau khi xảy ra tai nạn, người điều khiển ô tô đã dừng xe và bước ra khỏi xe với mùi rượu bia nồng nặc, có lời lẽ thóa mạ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Luật Giao thông đường bộ 2008 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, quy định: “Nghiêm cấm người điều khiển ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, “người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở” sẽ bị phạt.

Đây là mức thấp hơn so với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2001 và là mức mà 35 nước trên thế giới hiện đang áp dụng.

Còn theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ quy định cụ thể như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Điều khiển mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu  đồng.

Đối với ô tô, phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày…